Saturday, September 2, 2017

Sau 2 lần bị 'hành xác', nhà tôi không đi du lịch vào ngày lễ nữa

"Tôi đã quá sợ đi chơi trong mấy kỳ nghỉ lễ, sau hai lần gần đây vừa phải chen chúc, vừa bị làm con gà cho các khách sạn, hàng quán chặt chém", chị Bùi Thu Lý, 32 tuổi, thông dịch viên tại một công ty của Nhật Bản tại TP HCM chia sẻ.

Trước đây, tôi không có nhiều thời gian rảnh trong các dịp lễ vì thường phải trực hay mang bầu, nuôi con nhỏ. Ba năm gần đây, khi tôi chuyển sang một công ty điện tử của Nhật Bản, được nghỉ trọn vẹn trong dịp lễ, tôi cũng cảm thấy rất cuồng chân khi ở nhà nhìn bạn bè cứ check in chỗ nọ chỗ kia.

Tuy nhiên, sau hai lần đi chơi vào dịp lễ không khác gì bị hành xác, thì tôi quyết định ngày lễ dù ngắn hay dài ngày như Tết âm lịch cũng sẽ chỉ ở nhà, nếu có đi đâu xa thì địa điểm duy nhất chính là về quê.

Tôi còn nhớ dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2016, được nghỉ 4 ngày liền. Ban đầu, tôi định không đi đâu, chỉ ở nhà nghỉ ngơi vì vừa làm xong một dự án rất mệt. Lúc đó, con gái nhỏ của chúng tôi đang ở quê với ông bà ngoại. Còn hai vợ chồng son, chồng thuyết phục đi Vũng Tàu chơi mùi mẫn quá làm tôi đổi ý. 3h chiều ngày 30/4, vợ chồng lên xe máy thẳng tiến về Vũng Tàu. Cứ tưởng người ta về quê vào buổi sáng rồi, vậy mà đến chiều, đường vẫn đông không tưởng, chúng tôi bị tắc vài đoạn. Cái xe máy nhích từng tí một. Bình thường chúng tôi đi từ nhà đến Vũng Tàu chỉ mất hơn 2 tiếng, nhưng lần này đi mất 4 tiếng đồng hồ. Chưa kể đường đông, chúng tôi còn bị va quệt hai lần với các xe khác trên đường. Người không thương tích nhưng chiếc xe tôi mới mua thì bị xước một phần sơn, vỡ đèn hậu (hết kỳ lễ tôi phải đem đi sửa mất mấy trăm nghìn).

Đường đi đã gian khổ, mà đến nơi chúng tôi cũng không tìm được chỗ ở. Khách sạn 2-3 sao đã kín chỗ, khách sạn 4-5 sao thì chúng tôi không dám mơ tới, nhà nghỉ bình dân thậm chí cũng phải tranh nhau. Cuối cùng, hai vợ chồng tôi đành cắn răng thuê một phòng trong một nhà nghỉ tuềnh toàng với giá 1,5 triệu đồng/đêm, mà ngày thường, chỉ có 200.000 đồng. Cái toilet không thể tệ hơn, ống thoát nước của chậu rửa mặt bị thủng, phải lấy xô hứng nếu muốn dùng nước ở đây. Vậy mà chúng tôi vẫn còn may hơn nhiều người đến sau không thuê được phòng.

Tiếng là về biển, nhưng ăn hải sản còn đắt hơn ở thành phố. Hai vợ chồng ra bãi biển ngồi, gọi 2 con mực nướng, 2 con ghẹ hấp, 2 lon bia hết 1 triệu đồng. Đi ăn cơm hay ăn bún đều phải chờ nửa tiếng mới được phục vụ. Sợ quá, chiều 1/5, hai vợ chồng quay lại ngay Sài Gòn.

Rút kinh nghiệm lần đi Vũng Tàu thiếu chuẩn bị nên khổ cực, dịp 30/4 năm nay, chúng tôi lên kế hoạch đi chơi Mũi Né Phan Thiết rồi xuôi theo đường biển về Bà Rịa Vũng Tàu trước nửa tháng. Tôi vào vài trang web đặt phòng khách sạn, so sánh giá cả, xem hình chụp, các lời bình luận rồi đặt một phòng 3 người ở một khách sạn 2 sao trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thiết với giá hơn 800.000 đồng/đêm. Trên trang web, cũng khách sạn này, ngày thường chỉ 350.000 đồng/phòng. Thế nhưng nếu tôi không nhanh tay cũng không có phòng.

Xem hình ảnh trên mạng rất lung linh, đến nơi ở, chúng tôi mới biết khu vực này thường xuyên mất điện. Chủ khách sạn có dùng máy phát nổ nhưng tắt bật liên tục. Đêm đó, mãi 12h hơn con tôi mới ngủ được vì nóng. Trên mạng, khách sạn giới thiệu đi bộ 5 phút ra bãi tắm, thực tế đúng như vậy nhưng đó là đường tắt và chúng tôi phải đi qua một bãi đất hoang, người ta đang xây dựng dở một công trình gì đó.

Sau một ngày ở Phan Thiết, chúng tôi di chuyển qua La Gi. Thực ra, tôi cũng muốn đặt phòng ở đây nhưng không tìm được phòng rẻ nên tôi nên đặt phòng tận Bình Châu, Bà Rịa Vũng Tàu, cách La Gi mấy chục km. Chúng tôi chỉ ăn trưa và tắm ở La Gi. Lúc vào bãi đỗ xe, tôi đã thấy mệt mỏi vì xe quá đông. Xuống đến bãi biển, người đông như nêm. Bãi tắm nhếch nhác, người đi chơi vứt rác tùm lum, cái gì cũng đắt. Tôi gọi 1kg ghẹ, giá 400.000 đồng, không hề rẻ. Chủ quán mang lên, tôi giật mình vì ghẹ chỉ to bằng bàn tay em bé, thịt không có. Các que xiên nướng giá đều đắt gấp đôi ở Sài Gòn mà nói thật tôi ăn không nổi vì chế biến không ngon. Đến tắm tráng trong một dãy nhà tắm cửa nhựa lụp xụp, rêu mọc đầy tường cũng mất 20.000 đồng/người.

Về đến resort ở Bình Châu, phòng ốc tạm được nhưng lối vào khu nhà nghỉ thì thật khủng khiếp. Nó như một ốc đảo nằm giữa khu đất trồng cây công nghiệp. Đường lát đá nhưng chưa được trải nhựa, hai bên chỉ có cây, không nhà cửa, không điện đóm. Vì lỡ chuyển khoản trả tiền rồi nên chúng tôi đành vào ở. Buổi tối, nhà tôi không dám ra khỏi phòng vì sợ. Cũng may, việc ăn uống ở không đây không tệ lắm. Nhìn chung chúng tôi đã có một kỳ nghỉ lễ thất bại, bực nhiều hơn vui. Chồng tôi thuê xe tự lái, giá thuê ngày lễ đắt gấp đôi ngày thường. Lúc về chúng tôi không bị tắc đường, nhưng lúc đi tắc cả ở cao tốc Dầu Giây Long Thành lẫn quốc lộ 1 đoạn về Phan Thiết.

Sau mấy trải nghiệm không vui vẻ đó, tôi tự nhủ sẽ không đi du lịch vào dịp lễ. Tôi thấy thật không đáng để vừa bị mất nhiều tiền hơn bình thường, vừa bị hành xác. Chồng tôi là người ưa phong trào, ở nhà ngày lễ không chịu được, nhưng hôm nay cũng chỉ dám rủ vợ con đến một quán lẩu nướng ngay trong Sài Gòn để đón quốc khánh. Chúng tôi thấy giá cả ở quán này không bị nâng lên so với ngày thường nên đã đặt sẵn một bàn, hy vọng sẽ được phục vụ tốt.

Thu Lý

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính, mua nhà đất và tiêu dùng của bạn tại đây

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment