Dưới đây là chia sẻ của chị Minh Anh, 37 tuổi, hiện sống tại TP HCM.
Năm 2009, vợ chồng tôi đặt mua một căn hộ 74m2 giá 1,2 tỷ tại một chung cư được gắn biển hiệu có chữ "cao cấp". Thời điểm đó, chung cư có giá 16-17 triệu/m2 có thể tạm coi thuộc mức trung bình khá ở TP HCM.
Chung cư có quy mô khá nhỏ, chưa đầy 100 căn hộ. Dù nằm trên con đường đông đúc nhất quận 7, chung cư vẫn rất yên tĩnh. Hơn nữa, hệ thống cách âm của tòa nhà tương đối ổn.
Tôi còn nhớ, trong cơn sốt bất động sản 2008-2009, một loạt doanh nghiệp nhảy vào xây dựng chung cư. Người dân cũng háo hức đi mua chung cư, phần để ở nhưng phần lớn cũng để đầu tư, không cần biết tốt xấu, chủ đầu tư ra sao, chỉ cần bốc thăm mua được một căn chung cư đã thấy mừng. Vì chưa có kinh nghiệm nên khi mua nhà, vợ chồng tôi không tìm hiểu người bán nhà cho mình như thế nào mà chỉ quan tâm nhà thiết kế có đẹp không, giá tiền có phù hợp không, có thuận tiện cho cuộc sống của mình không. Chủ đầu tư của chúng tôi chỉ là một công ty TNHH nhỏ, chung cư này là công trình duy nhất mà họ đứng ra làm chủ đầu tư. Vì chủ đầu tư là một công ty thiết kế xây dựng nên các căn hộ được thiết kế tương đối khoa học và đẹp mắt, ngay lần đầu đi xem nhà vợ chồng tôi đã ưng.
Cuộc sống mấy năm đầu ở chung cư khá thoải mái, các chi phí đều chấp nhận được: phí dịch vụ là 3.000 cho mỗi m2 nhà, tiền điện nước thu theo mức sinh hoạt của người dân, phí để ôtô 700.000 đồng/tháng. Chủ đầu tư thuê một công ty bảo vệ chuyên nghiệp đến trông coi tòa nhà. Thời gian đầu tòa nhà vẫn còn mới nên dù chủ đầu tư chẳng có động thái bảo dưỡng hay sữa chữa gì thì cũng không có vấn đề gì xảy ra với tòa nhà.
Tuy nhiên, theo thời gian, các bức tường bắt đầu mốc, nứt, các tấm la phông trần nhà bắt đầu có dấu hiệu bong và rơi ra, các thanh sắt lan can bắt đầu oằn cong trong gió bão, và thang máy thì ngày càng tệ đến mức nhiều lúc tôi đành phải đi bộ cho an toàn. Thế nhưng, dù đã thu của chúng tôi phí bảo trì là 2% giá trị căn hộ ngay lúc bán nhà, đồng thời tăng tiền phí vệ sinh, dịch vụ lên gấp đôi nhưng chủ đầu tư chẳng đoái hoài sửa chữa. Họ cũng lờ tịt việc làm sổ hồng cho các cư dân.
Năm ngoái, giám đốc công ty chủ đầu tư bị bắt vì dính vào một vụ án kinh tế nào đó, chung cư được quản lý bởi một người phụ nữ đại diện cho anh ta. Chúng tôi vẫn đóng tiền điện, tiền nước, tiền phí vệ sinh nhưng bà ta không đóng lại cho công ty cấp điện, công ty cấp nước, công ty vệ sinh môi trường.
Một tháng nay, cuộc sống của chúng tôi thật tồi tệ khi chủ đầu tư thuê cả giang hồ đến hăm dọa các cư dân, đòi chúng tôi đóng nốt 5% tiền còn lại để làm sổ hồng, trong khi lẽ ra họ phải giao sổ cho chúng tôi cách đây 5 năm, giao xong mới nhận tiền như thỏa thuận lúc mua. Để gây sức ép cho các cư dân, chủ đầu tư thậm chí còn cho khóa thang máy, cắt điện, cắt nước của các hộ dân cư.
Các cư dân đã đem sự việc lên phường, phường cũng cho cán bộ đến giải quyết nhưng rất chậm. Và quan trọng là phường chỉ quản lý về mặt hành chính, trật tự an ninh còn những bức xúc và mâu thuẫn của dân với chủ đầu tư thuộc về mối quan hệ dân sự, nếu muốn đòi hỏi quyền lợi, chúng tôi phải kiện lên các tòa án cấp quận cấp thành phố.
Minh Anh
Theo ông Đinh Bá Điệp, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình, khi mua chung cư, việc xem xét chủ đầu tư của dự án là rất cần thiết, nhất định không được bỏ qua. Khi xem xét chủ đầu tư, bạn cần lưu ý hai vấn đề: Dự án đó có thực hiện đúng quy định của pháp luật hay không và năng lực tài chính của chủ đầu tư có đảm bảo dự án được hoàn thành theo đúng tiến độ không. Để kiểm tra năng lực và uy tín của chủ đầu tư, người mua nhà có thể thông qua nhiều kênh. Thứ nhất, thông qua ngân hàng xem tình trạng vay và trả nợ của chủ đầu tư, tuy nhiên cách này thường không đơn giản với người dân bình thường. Thứ hai thông qua các dự án chủ đầu tư đã thực hiện: tiến độ giao nhà có đúng cam kết không, trong quá trình sống các cư dân có gặp vướng mắc gì với chủ đầu tư không, nếu có thì sự việc đã được giải quyết ra sao. Thứ ba, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, xem dự án này có phát sinh kiện tụng gì không. Trong trường hợp chủ đầu tư chỉ có một dự án duy nhất, bạn chỉ còn cách kiểm tra lại toàn bộ dự án, có thể nhờ người có chuyên môn hỗ trợ. Bạn có thể yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các tài liệu liên quan đến dự án, xem chủ đầu tư có thực hiện đúng trình tự thủ tục pháp lý về xây dựng cơ bản hay không, dự án đã được quy hoạch xây dựng chưa, đất đã thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư chưa… Ông Điệp cho biết, theo quy định của pháp luật, thủ tục cấp sổ hồng cho nhà chung cư rất đơn giản và được giải quyết trong vòng 45 ngày. Những trường hợp bị kéo dài thường do chủ đầu tư đã đem thế chấp quyền sử dụng đất dự án của mình cho ngân hàng. Hoặc dự án đó có thể không đảm bảo một số quy định của pháp luật như thực hiện sai lệch so với giấy phép xây dựng, sai về chiều cao tĩnh không, không đáp ứng được quy định về phòng cháy chữa cháy… |
No comments:
Post a Comment