Wednesday, August 30, 2017

Đường lên đỉnh Olympia, 'cú sốc văn hóa ngược' hay nỗi e dè của các du học sinh

Câu chuyện về các du học sinh lựa chọn sinh sống và làm việc ở nước ngoài không còn quá xa lạ với dư luận Việt Nam. Tuy nhiên, khi con số 15/16 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia không về nước được công bố, nhiều người không khỏi bàng hoàng trước vấn đề thu hút và sử dụng nhân tài ở nước ta hiện nay. Dường như, giới trẻ đang cố gắng thông qua những suất học bổng để rời khỏi quê hương, lập nghiệp ở những quốc gia phát triển hơn.

“Đi đi, đừng về” trở thành câu nói nằm lòng của nhiều du học sinh

Sau 16 năm ra đời và phát triển, Đường lên đỉnh Olympia đã vinh danh 16 quán quân xuất sắc, đại diện cho thế hệ nhân tài ưu tú từ các trường THPT trong cả nước. Trong số đó, 8 người đang học tập, giảng dạy tại ĐH Kỹ thuật Swinburne, 6 nhà vô địch khác làm việc ở Australia, duy nhất có Lương Phương Thảo làm việc tại TP.HCM.

Nhiều du học sinh đã trải lòng rằng, trước khi đi du học, họ cũng nung náu ý định trở về quê hương khởi nghiệp vào một ngày không xa. Nhưng trước những thách thức của việc trở về quê mẹ, không ít người đã chùn bước. Chạy chọt xin việc, va đập với thủ tục phức tạp, tốn kém cùng những chèn ép, hạn chế trong phát triển năng lực, rồi vấn đề thu nhập không xứng đáng với cống hiến, thậm chí, sau bao cố gắng vẫn phải chịu cảnh thất nghiệp là những trở ngại không dễ vượt qua. Trong khi đó, lựa chọn ở lại các quốc gia phát triển, các du học sinh có thể nhẹ lòng phần nào về những khó khăn kể trên.

Ở một góc độ nào đó, việc trở về đối với những người đang tu nghiệp ở nước ngoài không hề dễ dàng. Dù trong lòng họ cũng từng ấp ủ dự định cống hiến trên mảnh đất quê hương, tuy nhiên, trước sức ép của cơm áo gạo tiền, rào cản xin việc ở Việt Nam, họ cũng buộc lòng phải chọn cho mình một lối rẽ để nắm bắt được những cơ hội thành công và nâng cao cuộc sống. Bởi vậy, “đi đi, đừng về” đã trở thành mục tiêu, trở thành ý chí để những người trẻ Việt quyết tâm trụ vững nơi đất khách quê người. Bản thân những người ở lại cũng phải đối mặt với những khó khăn riêng, nhưng có lẽ, ở đó, họ có quyền được hy vọng nhiều hơn, cảm thấy những đánh đổi của mình là xứng đáng. Điều đó có lẽ cũng là điều tất yếu khi chúng ta so sánh sự phát triển giữa Việt Nam và nước bạn. Hay thu hẹp lại trong lãnh thổ Việt Nam, rất nhiều người về các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn để tìm kiếm cơ hội đổi đời, thay vì ở lại những vùng xa xôi hẻo lánh cống hiến mà không nhìn thấy chút ít hy vọng tươi sáng nào. Những người đó cũng phải chấp nhận rủi ro để một lần nỗ lực chạm đến ước mơ. Cuộc sống không có gì là dễ dàng, tất cả chúng ta đều phải đánh cược ít nhất một lần trong đời.

Trần Ngọc Minh, nhà vô địch đầu tiên của Đường lên đỉnh Olympia vào năm 2000 (Ảnh: Nguồn Internet)

Lương Phương Thảo, người duy nhất trong số 16 quán quân Olympia lựa chọn về Việt Nam làm việc (Ảnh: Nguồn Internet)

Lê Vũ Hoàng, chiến thắng trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 6 (Ảnh: Nguồn Internet)

 “Cú sốc văn hóa ngược” và nỗi e dè của các nhân tài đất Việt

Đường lên đỉnh Olympia đã thực sự trở thành một trong những cánh cửa hy vọng để học sinh Việt Nam chạm đến ước mơ du học, đây cũng là bước rẽ lớn lao trong cuộc đời của họ. Tuy nhiên, việc đa số quán quân Olympia ở lại nước ngoài làm việc lại dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trong khi có người chỉ trích những du học sinh này không trở về cống hiến, xây dựng đất nước, thì cũng nhiều người tỏ ra cảm thông cho sự lựa chọn này.

Là một người trải nghiệm quá trình du học, Nguyễn Thành Vinh, Á quân Đường lên đỉnh Olympia mùa đầu tiên đã thẳng thắn chia sẻ, bản thân anh từng có ý định trở về nước sau khi học xong, nhưng không có cơ hội rõ ràng nên quyết định ở lại nước ngoài. Nhà báo Nguyễn Như Mai, cố vấn hiểu biết chung cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia cho rằng: “Chỉ những người đã học ở nước ngoài mới dám nói: Ở nước ngoài họ được sống thực với mình, dám nói điều mình nghĩ. Trong khi về nước, lại phải giấu giếm ý nghĩ của mình, hoặc phải lựa chiều nói dối, không thực lòng. Đâm ra họ sợ”. Ông cũng nói thêm: “Muốn sống ở nước ngoài cũng không dễ đâu, phải lao động thực sự, phải có tài, chứ không thể dựa vào chạy chọt, dựa dẫm được đâu.”.  

Điều nhà báo Nguyễn Như Mai nói chính là việc đối mặt với “Cú sốc văn hóa ngược” của du học sinh sau nhiều năm sinh sống và học tập tại nước tiên tiến. Việc tiếp nhận tri thức nhân loại một cách tư do, phóng khoáng, vượt ra khỏi ranh giới của một quốc gia khiến cho người trẻ càng khao khát bay xa hơn, khám phá nhiều hơn. Chính họ mới có thể biết, điều gì tốt nhất cho bản thân mình. Trước khi nghĩ đến những điều lớn lao, con người ta vẫn phải vì thân trước.

Thêm vào đó, về nước cống hiến hay tiếp tục xây dựng sự nghiệp ở nước ngoài đều có những đóng góp riêng cho đất nước. Thực tế đã ghi nhận nhiều tên tuổi làm rạng danh đất nước đều được ươm mầm hoặc sớm tiếp nhận nền giáo dục và cơ hội việc làm công bằng, rộng mở ở nước ngoài.

Có thể kể đến như: Luật Sư Nguyễn Thị Thúy - Viện trưởng gốc Việt đầu tiên tại đại học Hoa Kỳ; Daniel Trương Dũng, một bác sĩ gốc Việt nổi danh khắp thế giới với tên gọi bác sĩ biết làm phép lạ; Giáo sư Lưu Lệ Hằng (SN 1963 tại SG, người Mỹ gốc Việt) được thế giới biết đến với hai giải “Nobel thiên văn học” và là người phụ nữ được lấy tên đặt cho một tiểu hành tinh: 5430 Luu; GS.Ngô Bảo Châu, người Việt Nam đầu tiên giành được Huy chương Fields, Tính đến năm 2010, ông là nhà khoa học trẻ nhất Việt Nam được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam phong học hàm giáo sư… và còn nhiều nữa những cái tên người Việt được thế giới vinh danh ở mọi lĩnh vực. Họ lĩnh hội tinh hoa tri thức nhân loại và góp phần nâng tầm chất xám Việt Nam trên thế giới. Đó chẳng phải là sự đóng góp to lớn đấy sao. Hay sự trở về của những mạnh thường quân, những nhà khoa học trong những năm gần đây đã chứng tỏ rằng, dù làm việc ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, người Việt vẫn mong mỏi và miệt mài cống hiến cho đất nước mình bằng cách riêng của họ.

Đường lên đỉnh Olympia trở thành cú huých lớn cho nhiều học sinh

Xét một cách công tâm nhất, dù quan ngại về vấn đề chảy máu chất xám, chúng ta cũng không thể bác bỏ những thuận lợi trong phát triển năng lực và lập nghiệp của người Việt khi sinh sống ở các nước phát triển như Úc, Mỹ, Thụy Điển… Mặt khác, những nỗ lực học hỏi, nghiên cứu để chạm đến thành công của du học sinh nói riêng và bộ phận người Việt sinh sống tại nước ngoài nói chung cần được ghi nhận và nhìn bằng con mắt cảm thông sâu sắc. Để có được cuộc sống hiện tại, họ đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt cùng những tháng ngày đằng đẵng xa gia đình, quê hương.

Không phải chỉ có quay về Việt Nam làm việc mới thể hiện tình yêu quê hương, lựa chọn lập nghiệp ở nước ngoài, du học sinh người Việt vẫn cống hiến cho quê mẹ bằng nhiều cách khác nhau. Thay vì trách cứ, chỉ trích, cần hơn hết sự động viên để người trẻ Việt thêm vững bước khi khởi nghiệp trên nước bạn. Quan trọng hơn cả, trong trái tim họ không bao giờ quên hình bóng quê nhà, không bao giờ lãng quên gốc gác của mình.

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment