Wednesday, August 30, 2017

Bác sĩ Sài Gòn sửa sai đời con sau 20 năm trầy trật vì học tiếng Anh muộn

Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Trọng Hậu, bác sĩ tại TP HCM, về lý do anh đầu tư cho các con học tiếng Anh từ mẫu giáo sau khi rút kinh nghiệm quá trình học ngoại ngữ vất vả của mình. Anh cho rằng lớp 10 mới cho con học tiếng Anh là quá muộn. 

Tôi bắt đầu biết đến tiếng Anh khi vào lớp 10 và chỉ học trên lớp theo giáo trình thời ấy trên ghế phổ thông. Sau đó, tôi bỏ lửng cho tới năm 1992 - khi đã 34 tuổi, mới mày mò tự học lại vì thấy thời thế đã thay đổi, cần phải có ngoại ngữ để phát triển sự nghiệp và bản thân. 

Năm 1994, khi về một bệnh viện lớn ở TP HCM làm việc, trò chuyện với cấp trên, tôi nhận ra vốn liếng ngoại ngữ, nhất là về chuyên ngành của mình quá mỏng nên lại cố gắng học thêm, đọc sách, tra từ điển. Tôi khá xông xáo, lại làm ở bộ phận đối ngoại của bệnh viện nên gặp bất cứ ai là người nước ngoài là xông vào nói, trao đổi bằng tiếng Anh.

Mốc thay đổi đời tôi là lúc 39 tuổi. Khi ấy, tôi có cơ hội được đào tạo 3 tháng TOEFL và đạt 587 trên 677 điểm, rồi được chấp nhận vào Đại học John Hopkins (Mỹ). Bước chân ra nước ngoài, tôi sốc khi nhận ra sau bao năm dùi mài, trình độ tiếng Anh của mình tới đâu: Tôi nghe kém, phát âm không chuẩn dù giàu vốn từ. Người Mỹ thường ngày họ nói rất nhanh, tắt. Tôi nghe không hiểu gì luôn, sợ đến toát mồ hôi và sau đó phải sắm một chiếc radio để ngày ngày nghe, đồng thời tranh thủ mọi cơ hội ở ký túc xá luyện nói với các bạn nước khác.

20-nam-chat-vat-voi-tieng-anh-vi-hoc-muon-toi-quyet-sua-sai-o-doi-con

Ảnh minh họa: School Plus.

Ở Mỹ một năm, tôi nghe nói tốt lên nhưng cũng chưa lưu loát thực sự. Trở về nước, tôi làm trong các tổ chức phi chính phủ, các dự án, thường xuyên tiếp xúc, làm việc với người nước ngoài và sau gần 10 năm dùng tiếng Anh như ăn cơm, tôi mới nói lưu loát được. Vậy là tính ra tôi phải mất tới gần 20 năm học lăn xả mới thực sự tự tin về ngoại ngữ này. 

Đây là con đường bản thân trải qua nên tôi hiểu rất rõ khó khăn của một người học tiếng Anh trong thực tế tại Việt Nam. Thực tế, trong học ngôn ngữ, nói và nghe là khó nhất, văn phạm là chuyện nhỏ. Tôi cũng mong muốn thấy nhiều bậc phụ huynh hiểu rõ khó khăn này mà tránh cho con em mình một bước chông gai không đáng có: học quá muộn. 

Bản thân tôi đã kinh qua con đường như vậy nên khi có con, tôi cố gắng cho các cháu tiếp xúc tiếng Anh ngay từ mẫu giáo. Có những điều lợi khi cho trẻ tiếp xúc sớm tiếng Anh và càng sớm càng tốt: 

1. Các lớp nhỏ thì lượng kiến thức không nhiều, chỉ là kiến thức cơ bản nên trẻ có thời gian rảnh thì học tiếng Anh, không bị sức ép và thư thả. Lên lớp cao hơn thì kiến thức nhiều, các con học các môn bằng tiếng Việt còn chưa đủ thời gian thì làm sao tập trung học tiếng Anh và như vậy ngoại ngữ thay vì là môn học thoải mái thì lại là sức ép cho trẻ.

2. Tiếng Anh khó ở phần nghe nói sao cho tốt, còn ngữ pháp thì trước sau cũng sẽ tốt, đến lớp 10 mới bắt đầu học tiếng Anh thì quá muộn cho việc học nghe nói. Nhân tiện đây tôi xin nói một vài kinh nghiệm rất đời thường mà ít ai quan tâm như khi chào nhau thì mọi người quen nói Hello và Hi nhưng cần để ý một chút là khi người ta chào mình "Hello" thì mình đáp lại là "Hi". Hầu như không thầy nào dạy tiếng Anh tại Việt Nam nói đến điều này mà khi sang Mỹ tôi mới nhận ra khi chào nhau là như vậy và dần dần tôi mới sửa được. Còn chào "Good morning", "good afternoon" và "good evening" thì rất ít khi dùng đến và nếu có dùng thì "good morning" chỉ cho trước 9 giờ sáng...

3. Luôn nhớ rằng chúng ta học tiếng Anh ở Việt Nam nên càng tiếp xúc và thực hành sớm thì càng có lợi vì cơ hội sử dụng nó ít. Ngôn ngữ ít sử dụng thì làm sao mà giỏi, con vẹt còn nói được tiếng Anh vì nó luyện tập nhiều. Tiếng Anh không khó nhưng khó ở chỗ phải thực hành nhiều. Vậy đến lớp 10 trở đi phải tập trung học cho thi cử thì lấy gì mà học tiếng Anh cho tốt?

Rút kinh nghiệm bản thân phải trầy trật mới thành thạo ngoại ngữ, tôi cho con học tiếng Anh từ nhỏ và đến lớp 10 cháu đã nói, đọc viết, xem truyền hình tiếng Anh tốt. Đừng tiếc tiền cho con học tiếng Anh nếu bạn muốn con mình đứng hàng trên. Nếu không, dù giỏi chuyên môn trẻ vẫn sẽ đứng phía sau vì không diễn tả được ý tưởng của mình. Như trong ngành của mình, tôi thấy có nhiều bác sĩ của ta giỏi chuyên môn nhưng không giỏi tiếng Anh nên khi làm việc với chuyên gia nước ngoài thì đành đứng phía sau người khác. 

Nguyễn Trọng Hậu

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment