Hai vợ chồng Mervyn and Tokkie Van Wyk chứng kiến linh dương đầu bò bị cá sấu ngoạm chân khi tham quan công viên quốc gia Kruger, Nam Phi, National Geographic hôm qua đưa tin. Nhiều khả năng con thú ăn cỏ ghé sát mép đầm để uống nước và lọt vào tầm ngắm của cá sấu rình sẵn. Linh dương đầu bò chật vật tìm cách thoát thân nhưng cá sấu vẫn ngoạm chặt cẳng chân con mồi bằng bộ hàm to khỏe.
Trong gần 8 phút, linh dương đầu bò và cá sấu giằng co trong cuộc chiến sinh tử. Cuối cùng, linh dương thấm mệt và dường như không còn sức lực chiến đấu. Cá sấu bắt đầu chậm rãi kéo con mồi xuống nước. Cơ thể dài, nặng với phần chân mập mạp là lợi thế lớn nhất giúp cá sấu đánh bại những con mồi lớn như linh dương đầu bò khi nổi trên mặt nước.
Khi linh dương gần như bị nhấn chìm dưới nước bởi lực kéo của cá sấu, hai con hà mã xuất hiện. Chúng bất ngờ xua đuổi cá sấu, khiến nó phải buông con mồi giữa chừng. Linh dương đầu bò trốn thoát nhưng nó khó có thể sống sót lâu với chiếc chân gãy.
Theo Douglas McCauley, nhà thám hiểm National Geographic và giáo sư ở Đại học California Santa Barbara, hà mã thực chất không lao tới để giải thoát linh dương gặp nạn. Dù cũng là động vật ăn cỏ, hà mã vô cùng hung dữ. McCauley đưa ra hai giả thuyết.
Giả thuyết đầu tiên là cá sấu lấn tới quá gần lãnh thổ của hà mã. Hà mã và cá sấu, hai loài thường xuyên xuất hiện ở đầm nước, thường cảnh giác lẫn nhau. Hà mã quá lớn và quá khỏe để cá sấu ăn thịt, còn cá sấu không phải là mục tiêu săn mồi của hà mã. Nhưng khi cá sấu bò tới cách hà mã trong vòng hai mét, hà mã có thể cắn hoặc đuổi nó.
Trong giả thuyết thứ hai, McCauley cho rằng hành động vùng vẫy của linh dương đầu bò thôi thúc hà mã khẳng định lãnh thổ. “Tôi đoán chắc hà mã tỏ vẻ hung dữ với bất cứ thứ gì cố gắng tiến xuống nước. Chúng sẽ lao tới đuổi đối phương đi xa. Nói cách khác, chúng đang khẳng định lãnh thổ”, McCauley nói.
Phương Hoa
No comments:
Post a Comment