Có lẽ đây là thời điểm các bạn trẻ đang buồn vui lẫn lộn khi ngóng chờ từng trường công bố điểm chuẩn Đại học, và nhân vật trong câu chuyện cũng ở trong tâm trạng ấy. Tuy nhiên đáng buồn thay đó là tâm trạng của người vừa rớt Đại học.
Được sinh ra trong một gia đình gia giáo, bố mẹ làm nhà nước, chính vì thế nhân vật trong câu chuyện phải cố gắng học tập để gia đình nở mày nở mặt. Tuy nhiên nhân vật trong câu chuyện lại chua xót khi nhìn nhận ra năng lực thật của bản thân không như mong muốn của gia đình.
Mang danh hiệu là học sinh giỏi nhưng rõ ràng đằng sau ấy là câu chuyện thành tích khiến nhân vật rất buồn bã và chán nản. Ngược lại, gia đình lại cho đó là niềm tự hào và đi khoe khoang với mọi người xung quanh về đứa con của mình. Và rồi điều gì đến cũng đến, nhìn kết quả thi đại học bạn trẻ ấy trở nên buồn bã và chán chường hơn nữa. Tuy nhiên, ẩn sau nỗi buồn đó còn cả một nỗi lo mang tên gia đình.
Có lẽ câu chuyện tâng bốc con cái, quá kì vọng thậm chí là tạo một vỏ bọc thành tích cho con cái là câu chuyện quá đỗi quen thuộc với rất nhiều gia đình Việt Nam. Nhưng nhiều bậc làm cha mẹ không biết chính điều này vô tình đã tạo ra một tâm lý, rào cản trong bước đường chinh phục tri thức của con trẻ. Vô hình chung những đứa con đó đến trường, đi học, đi thi với nỗi lo thành tích.
Đạt 23 điểm mà vẫn trượt đại học (ảnh minh họa) |
Câu chuyện đã cán mốc hơn 10 nghìn lượt thích và hàng trăm lượt bình luận chỉ sau vài giờ đăng tải. Điều này chứng minh được sự quan tâm của rất nhiều người về đề tài khá cũ này.
Chúng tôi xin trích nguyên câu chuyện đáng suy ngẫm này đến độc giả:
Con trượt NEU rồi bố mẹ à!
Giờ này chắc những bạn đã đủ điểm đỗ NEU vui lắm, đang nghĩ sẽ làm gì ở NEU, gặp những bạn nào cùng khoa... Còn em thì trượt với số điểm 23 tròn, em đang khóc…
Em ở trong group K59 của NEU có lẽ nốt hôm nay thôi em sẽ rời group. Từ lúc gia nhập group em từng ngày trông ngóng điểm ngành, trông ngóng điểm sàn. Đôi khi cũng hỏi 1,2 câu như các bạn cho xôm rồi inbox hỏi các anh chị khóa trên nhưng rồi giờ ngồi đây nhìn các bạn chia nhau các group bé hơn, người thì Team Kinh tế, người thì Team Đầu tư...
Em biết, đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công và đại học Kinh tế Quốc dân cũng không phải lựa chọn duy nhất em chọn nhưng thứ em sợ ở đây là gia đình. Em sợ lắm, bố mẹ em làm nhà nước, từ bé tới giờ em luôn phải giữ hình tượng là con ngoan trò giỏi để bố mẹ đi khoe với hàng xóm, khoe với đồng nghiệp.
Khoe rằng bố mẹ như vậy rồi con cái học cũng giỏi, năm nào em cũng học sinh giỏi hết nhưng anh chị biết đấy, bệnh thành tích giúp em rất nhiều trong quá trình học tập. Em học ở ngôi trường cấp 2, cấp 3 dù em có kém 1 chút nhưng vẫn được học sinh giỏi.
Bố mẹ lúc nào cũng đi khoe em được học sinh giỏi, mang tấm bằng học sinh giỏi đến cơ quan nhận thưởng nhưng chỉ có em mới hiểu được. Em không hiểu sao em học các môn rất chậm, có thể do em không thông minh như các bạn khác. 3 môn chính em đều cần gia sư hết mà bố mẹ đổi gia sư cho em nhiều lắm vì nhiều người không dạy được em. Em đã cố gắng nhưng cố gắng thôi chưa đủ... em không hề giỏi như bố mẹ nghĩ.
Bố mẹ bắt em cũng không đến được số điểm cao như vậy. Em chỉ dám đăng kí NEU thôi và giờ khi biết điểm, em lại trượt nữa... Bố mẹ em còn chưa biết được việc này, em sợ lắm, bố mẹ em đi khắp nơi khoe năm nay em thi NEU vậy mà giờ em lại trượt...
Bỗng dưng em thấy mình bất tài quá, bố mẹ đặt nhiều hi vọng, tốn rất nhiều tiền cho em học gia sư rồi kì vọng vào em nhưng em lại ko làm được như bố mẹ em muốn... Nhưng tại sao, tại sao bố mẹ em luôn bắt em phải như vậy. Nhiều lúc em tự hỏi : Bố mẹ, bố mẹ có bao giờ hiểu cảm giác của con không?
Em chỉ khóc rồi tâm sự 1 chút thôi rồi em cũng phải đi ngủ và sáng mai khi bố mẹ ngủ dậy, em sẽ gọi và nói rằng, đối diện với 1 sự thật.
"Con trượt NEU rồi bố mẹ à"
No comments:
Post a Comment