Phi hành gia Peggy Whitson trở về sau nhiệm vụ dài kỷ lục ngoài không gian. Ảnh: AP. |
Ngày 3/9, nữ phi hành gia người Mỹ Peggy Whitson cùng hai thành viên khác trong phi hành đoàn trên tàu vũ trụ Soyuz hạ cánh thành công xuống sa mạc Zhezkazgan, Kazakhstan, đánh dấu một sứ mệnh của những kỷ lục.
Để hoàn thành nhiệm vụ lần này, Whitson phải sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) 288 ngày. Ngày 24/4, bà vượt qua kỷ lục cũ của phi hành gia người Mỹ Jeffrey Williams với 534 ngày sống ngoài vũ trụ.
Trong suốt sự nghiệp của mình, bà đảm nhận ba sứ mệnh không gian dài hạn với tổng thời gian sống ngoài vũ trụ lên đến 665 ngày, là kỷ lục mới đối với nước Mỹ. Bà cũng trở thành người phụ nữ có thời gian sống ngoài vũ trụ dài nhất thế giới.
Whitson còn đạt được nhiều kỷ lục khác như nữ phi hành gia lớn tuổi nhất bay vào vũ trụ (57 tuổi), người phụ nữ đi bộ ngoài không gian nhiều nhất (10 lần, kéo dài 60 giờ 21 phút) và là nữ phi hành gia đầu tiên hai lần giữ vai trò chỉ huy trạm vũ trụ, theo AP.
Bà từng lọt vào danh sách "50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Houston năm 2011", nhận nhiều danh hiệu và giải thưởng khác như Huân chương Nga cho những Cống hiến về Vũ trụ năm 2011, Huân chương Du hành Vũ trụ NASA năm 2002 và 2008, Huân chương Lãnh đạo Xuất sắc NASA năm 2006.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện cho bà để chúc mừng và thảo luận về kế hoạch đưa người lên sao Hỏa. "Peggy là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta, đặc biệt là với những phụ nữ trẻ đam mê hoặc đang theo đuổi sự nghiệp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán", Tổng thống Trump phát biểu.
Cùng trở về với bà là chỉ huy người Nga, Fyodor Yurchikhin và phi hành gia Mỹ, Jack Fischer. Yurchikhin có tổng thời gian sống ngoài vũ trụ là 673 ngày, đứng thứ 7 thế giới. Phi hành gia Jack Fischer hoàn thành nhiệm vụ với 136 ngày sống ngoài không gian.
Whitson và Fischer đã góp phần thực hiện hàng trăm thí nghiệm sinh học, công nghệ sinh học, khoa học vật lý và khoa học Trái Đất trong thời gian họ hoạt động trên trạm ISS, theo NASA.
Công việc của họ bao gồm nghiên cứu các kháng thể có khả năng tăng cường hiệu quả của các loại thuốc hóa trị phục vụ cho việc chữa ung thư và tìm hiểu những thay đổi đối với mắt phi hành gia khi sống trong môi trường vi trọng lực.
Chỉ huy mới của trạm vũ trụ, Randy Bresnik, hết lời ca ngợi công lao của các phi hành gia: "Chúng tôi luôn biết ơn các bạn vì những cống hiến vĩ đại mà các bạn dành cho sứ mệnh khám phá của nhân loại". Ông gọi Peggy Whitson là một "ninja vũ trụ Mỹ".
Peggy Whitson trong chuyến du hành đầu tiên năm 2002. Ảnh: Wikimedia. |
Peggy Whitson sinh ngày 9/2/1960 tại Iowa, Mỹ. Bà tốt nghiệp Học viện Iowa Wesleyan năm 1981 với bằng cử nhân sinh học và hóa học. Bà nhận bằng tiến sĩ hóa sinh tại Đại học Rice năm 1985.
Whitson bắt đầu làm việc cho NASA với vai trò là nhà nghiên cứu hóa sinh tại Trung tâm Vũ trụ Johnson năm 1989. Năm 1996, bà được chọn làm ứng cử viên cho nhóm phi hành gia thứ 16 của NASA. Sau hai năm đào tạo và đánh giá, Whitson được giao thực hiện các nhiệm vụ kỹ thuật tại Phòng Phi hành gia thuộc NASA. Năm 2003, bà trở thành phó chỉ huy của Phòng Phi hành gia.
Whitson tham gia phi hành đoàn Expedition 5, thực hiện nhiệm vụ ngoài không gian đầu tiên vào năm 2002. Chuyến đi kéo dài 184 ngày, 22 giờ và 14 phút. Trong chuyến đi này, bà đã lắp đặt thành công Hệ thống chân đế di động, tiến hành 21 nghiên cứu khoa học và đi bộ ngoài không gian tổng cộng 4 giờ 25 phút.
Năm 2008, Whitson tiếp tục thực hiện nhiệm vụ không gian thứ hai với vai trò chỉ huy phi hành đoàn Expedition 16. Với nhiệm vụ này, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ vai trò chỉ huy trên trạm quốc tế ISS. Chuyến đi kéo dài 192 ngày, trong đó Whitson có 5 lần đi bộ ngoài không gian để thực hiện nhiệm vụ lắp ráp và bảo trì bên ngoài trạm.
Tháng 11 năm ngoái, bà thực hiện chuyến đi vào không gian lần thứ ba và cũng là chuyến đi dài nhất. Theo kế hoạch ban đầu, Whitson sẽ trở về Trái Đất vào tháng 6, nhưng cuối cùng bà đã ở lại đến tháng 9 để thực hiện nhiệm vụ.
Một trong những thành tựu Whitson đạt được lần này là trồng thành công rau cải. Các phi hành gia trên trạm vũ trụ sẽ ăn một ít cải do bà trồng, còn lại để dành cho nghiên cứu khoa học khi trở về Trung tâm Vũ trụ Kennedy.
"Đây là vụ mùa thứ năm trên trạm và là vụ cải đầu tiên. Cải được chọn sau quá trình đánh giá một số loại rau dựa trên rất nhiều tiêu chuẩn, ví dụ như khả năng phát triển và giá trị dinh dưỡng", NASA cho biết.
Rau cải lần đầu tiên được trồng thành công trên vũ trụ. Ảnh: Heavy. |
Whitson cùng các thành viên khác cũng tiến hành nghiên cứu mô phổi trên trạm ISS. Theo NASA, nghiên cứu cách hoạt động của các tế bào gốc trong môi trường vi trọng lực trên trạm vũ trụ có thể đặt nền móng cho việc nghiên cứu tế bào gốc ngoài vũ trụ trong tương lai.
Do điều kiện sống đặc biệt trên trạm vũ trụ mà một trong những điều Whitson nhớ nhất ở Trái Đất lại là bồn cầu giật nước. Bà cũng chia sẻ, mình rất nhớ đồ ăn Trái Đất. "Tôi đã nghĩ đến pizza suốt một hay hai tháng nay", Whitson nói.
Đây có thể là chuyến du hành vũ trụ cuối cùng của Whitson, nhưng bà cho biết mình vẫn sẽ tiếp tục làm việc. "Khao khát cống hiến cho sự nghiệp du hành không gian của tôi khi con người tiếp tục khám phá vũ trụ ngày càng mạnh mẽ", bà nói.
"Tôi biết mình sẽ rất nhớ sự tự do trôi trên không và di chuyển với những cái chạm nhẹ nhất", Whitson chia sẻ về điều mình nhớ nhất ngoài vũ trụ. "Tôi sẽ nhớ việc được nhìn thấy rìa Trái Đất xinh đẹp và yên bình từ trên cao. Cho đến những ngày cuối cùng, mắt tôi vẫn sẽ tìm kiếm đường chân trời để thấy đường viền đó".
Thu Thảo
No comments:
Post a Comment