Để tránh được những xui xẻo trong cái tháng đen đủi này, hàng tá những phép tắc kiêng kỵ đã được đặt ra, với mong muốn hạn chế tối đa điềm gở. Người trước bảo người sau với những lời “dọa” ám ảnh khiến người ta sợ đến rợn tóc gáy. Có thể điểm qua một số điều như: Kiêng không đi chơi đêm, không được gọi tên nhau giữa đêm khuya, không tùy tiện đốt vàng mã, ăn vụng đồ cúng cô hồn, không nhổ lông chân trong tháng, không treo chuông gió đầu giường… vân vân và mây mây. Thậm chí, người ta còn tranh thủ làm những việc quan trọng như cưới xin, mua xe, mở quán… trong tháng 6 hoặc lùi lại sang tháng 8. Nhiều người cảm thấy bị tâm lý khi bước vào tháng 7, kéo theo đó là sự trì trệ giao dịch trên thị trường kinh doanh.
(Ảnh sưu tầm trên Internet)
Thời gian gần đây, lợi dụng yếu tố tín ngưỡng dân gian, một số thông tin kiêng kỵ nhảm nhí đã xuất hiện, từ việc con gái phải cho bạn trai sờ ngực để không gặp đen đủi cho đến những hoạt động cúng bái giải hạn trục lợi của một số đối tượng xấu. Việc tung tin vô căn cứ, bóp méo văn hóa tâm linh, gây hoang mang dư luận ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thường nhật của mọi người. Nhiều người tiền mất tật mang khi mù quáng chạy theo những quan niệm sai lầm, mê tín dị đoan biến tướng trong tháng cô hồn.
Dưới đây là sự lý giải một số hiện tượng khác lạ trong tháng cô hồn qua góc nhìn của các chuyên gia văn hóa dân gian
Kiêng kết hôn, động thổ, xây nhà
Theo TS Nguyễn Ánh Hồng, Trưởng khoa Văn hóa Phát triển, Học viện Báo chí và tuyên truyền, những kiêng kỵ nêu trên trong tháng "cô hồn" chỉ để giải quyết vấn đề tâm linh. "Ở đây tâm linh được hiểu là niềm tin một cách tự phát, nó không có một cơ sở khoa học gì để giải thích điều gì đúng, điều gì sai ở đây cả.” Bà nhấn mạnh. “Dù vậy chúng ta có thể lý giải được tâm lý ngại kết hôn, tổ chức đám cưới trong tháng 7 xuất phát từ câu chuyện tình có kết cục buồn Ngưu Lan - Chức Nữ gặp nhau duy nhất một lần vào rằm tháng 7 hằng năm”.
(Ảnh sưu tầm trên Internet)
Việc động thổ, xây nhà vào thời gian này cũng gặp nhiều khó khăn trước thời tiết mưa gió nhiều, quá trình xây dựng dễ rơi vào trì trệ.
Nhiều người đau ốm, tránh thức khuya, cấm trẻ em bơi lội dưới nước
Bởi tâm lý tháng cô hồn nhiều ma qủy quấy phá, nhiều người cho rằng trong tháng này sẽ dễ bị ốm đau bệnh tật, tuy nhiên, theo sự lý giải của các chuyên gia, đây là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết mưa nắng thất thường, cơ thể con người không kịp thích nghi nên dễ đổ bệnh. Đặc biệt là trẻ nhỏ, người cơ địa yếu, sức đề kháng kém. Do đó, việc tiếp xúc với nước lạnh tại các ao, hồ, sống, suối, bể bơi cũng khiến trẻ em dễ bị nhiễm lạnh, chuột rút, gây nguy cơ đuối nước cao. Việc cấm con trẻ bơi lội cũng xuất phát từ những biến đổi thời tiết có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.
Không phơi quần áo ban đêm
Người xưa cho rằng, quần áo phơi ban đêm vào tháng cô hồn sẽ bị các vong hồn lang thang “mượn”, để lại âm khí trong đó, khiến người mặc gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và rủi ro trong cuộc sống. Dưới góc độ khoa học, việc phơi quần áo ban đêm sẽ bị nhiễm sương, ẩm ướt, làm vải nhanh mục, hỏng, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh phát triển, gây dị ứng cho người mặc.
Ngoài ra, một số điều kiêng kỵ khác như: Kiêng ở nhà một mình trong phòng, không chụp ảnh ban đêm trong tháng cô hồn, không đến gần góc tường (nơi ma quỷ trú ẩn), kiêng gọi tên nhau khi đi chơi đêm… là những quan niệm tín ngưỡng dân gian truyền lại. Tôn trọng văn hóa cổ truyền nhưng chúng ta cũng không nên quá sa đà thành mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng đến tâm lý và sinh hoạt hằng ngày.
No comments:
Post a Comment