Theo các bác sĩ, thông báo tin xấu không có quy định hay luật. Tùy theo tình trạng bệnh, tuổi tác, kiến thức và địa vị xã hội mà bác sĩ có cách nói khác nhau. Thông báo tin xấu có thể xem là một nghệ thuật. Nói gần, nói xa để người bệnh tự hiểu hơn là thông báo thẳng thừng dễ bị sốc.
BS. Phạm Thị Việt Hương, bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) cho rằng, nhiều người nhà người bệnh nghĩ rằng nói dối, giấu giếm thông tin thật về bệnh, về tiên lượng xấu của bệnh là để người bệnh đỡ lo lắng, đỡ sốc. Đặc biệt khi hai chữ ung thư còn ám ảnh, nhiều người nhà đã muốn bác sĩ nói dối: Chỉ là u lành thôi, u nhỏ không gây hại gì... Họ tin rằng người bệnh không nên biết sự thật, họ tin việc giấu giếm sự thật tốt hơn việc người bệnh phải đương đầu.
Có nên thông báo tình trạng bệnh cho bệnh nhân? (Ảnh minh họa). |
Trên thực tế đã có một số người bệnh bị thân nhân ngăn cản gặp trực tiếp bác sĩ. Bác sĩ dành hết tâm sức, thời gian tư vấn, động viên thân nhân người bệnh và hy vọng người bệnh của mình yên tâm tin tưởng điều trị, mà không lường trước được thân nhân người bệnh về nhà lại nói dối, nói sai sự thật với người bệnh.
“Tại sao bạn không để cho người thân của mình khi ốm đau được tiếp cận, trao đổi kỹ lưỡng về bệnh tình với bác sĩ? Tại sao bạn không nghĩ rằng bác sĩ sẽ có chuyên môn, có kỹ năng nghe và giải thích hợp lý sao cho người bệnh hiểu mà lại không tuyệt vọng, có hướng đi cho bản thân?
Bệnh nhân có quyền được biết sự thật. Thay vì nói dối, tại sao bạn không thảo luận kỹ với bác sĩ để thống nhất cách nói với người bệnh, sao cho hiệu quả cao nhất là người bệnh hiểu rõ, hợp tác tốt để điều trị mà vẫn tránh được cú sốc như bạn đang lo lắng?
Nếu là bệnh nhân, bạn có muốn biết chính xác mọi thứ về bệnh của mình không? Tôi tin rằng tất cả bệnh nhân ung thư đều thực sự muốn biết bởi sau giai đoạn suy sụp với chẩn đoán, họ đều muốn được cứu sống và vì thế họ đều muốn hiểu rõ”, BS.Hương đặt vấn đề.
Đồng tình với quan điểm của BS.Hương, nhiều bác sĩ khẳng định, 80% bệnh nhân muốn biết sự thật về bệnh tình của mình. Khi chẩn đoán mắc ung thư, các bác sĩ nên báo với bệnh nhân cùng với sự lựa chọn về các phương pháp điều trị.
Trong khi thảo luận về bệnh, bệnh nhân, vợ hoặc chồng và các thành viên trong gia đình đều nên có mặt. Điều này là rất quan trọng, nếu bạn nói với bệnh nhân kết quả chẩn đoán như thế này, mà lại nói với người thân của họ một kết quả chẩn đoán khác thì sớm hay muộn gì cũng sẽ dẫn đến sự mất lòng tin của các bệnh nhân đối với bác sĩ về phương pháp điều trị cũng như thuốc men. Những lo lắng và hiểu lầm cũng dễ xảy ra, như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Sau khi nói cho bệnh nhân ung thư biết về tình trạng bệnh của họ thì nên tác động về tâm lý như thế nào?
- Điều chỉnh quan niệm sai lầm về “ung thư đồng nghĩa với cái chết”: Đây chính là quan niệm tạo ra phản ứng cảm xúc tiêu cực ở bệnh nhân.
- Đối mặt với ung thư, không bỏ lỡ mất cơ hội điều trị: Chấp nhận ung thư, đồng ý tiếp nhận chỉ định của bác sỹ và điều trị, không bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm nhất có thể, để đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Chuẩn bị sẵn sàng tinh thần chiến đấu lâu dài với bệnh ung thư: Điều trị ung thư không chỉ phẫu thuật cắt bỏ là có thể trị khỏi, quá trình điều trị rất chậm và lâu dài, vậy nên rất cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đấu tranh lâu dài giành lấy sự sống từ căn bệnh ung thư.
Ngân Giang
No comments:
Post a Comment