Tuesday, September 5, 2017

Con trai tôi như được hồi sinh khi chuyển sang trường tư

Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Việt Hà, có hai con, đang sống tại Hà Nội về trải nghiệm của gia đình mình khi con trai chị chuyển từ trường công sang trường tư.

Tôi có 2 cháu, một trai, một gái và đều đã học tại một trường công lập có tiếng ở Hà Nội. Cháu gái đầu cấp một và cấp hai phải học ngày học đêm cũng chỉ vừa đủ điểm đỗ vào cấp 3 trường đúng tuyến. Nhưng câu chuyện tôi muốn chia sẻ lại là của cháu trai năm nay học lớp 7.

Suốt 5 năm cấp một của cháu gần tương tự như chia sẻ trong bài viết "Tôi phải chuyển con lại trường tư sau 3 tuần học ở công lập", nói chung chỉ toàn bài vở, học thêm, thành tích.... Lên cấp 2, chúng tôi vẫn quyết định cho cháu tiếp tục chuyển cấp đúng tuyến bởi trường đã có kinh nghiệm gần 30 năm, lại mới được nhà nước đầu tư hơn 300 tỷ đập đi xây mới lại. Đó là một trong những ngôi trường có cơ sở vật chất được đánh giá là tốt nhất Hà Nội.

Tuy nhiên, ngoài cơ sở vật chất tốt, những gì cháu trải qua không mấy vui vẻ. Cấp một cháu chỉ gặp áp lực với 2 môn học chính thì lên cấp 2 mỗi môn học là một thầy cô giáo và ai cũng yêu cầu học sinh phải học tốt môn của mình. Gần 10 bộ môn với khối lượng bài vở về nhà nhiều kinh khủng. Ngoài ra, cô giáo luôn nhận xét con học chưa tốt nên cháu phải học thêm 3 môn chính văn, toán, tiếng Anh.

Hằng ngày, tan học về, cháu ăn vội gói mỳ tôm hoặc cái bánh mỳ và cốc sữa để đi học thêm nhà cô. 8h tối về đến nhà tắm rửa vội vàng lại ngồi vào bàn học đến 23h. Cả tuần cháu gần như không được ăn cơm cùng gia đình. Điều đáng nói là tuy học nhiều nhưng con tôi vẫn không học tốt. Cháu làm bài như kiểu học vẹt, không hiểu bài. Ngày nghỉ và lễ thì khối lượng bài tập về nhà càng nhiều lên.

con-trai-toi-da-duoc-hoi-sinh-khi-chuyen-sang-truong-tu

Ảnh minh họa: Ongb.

Bỏ qua việc học văn hóa, có những việc khiến tôi cũng không thoải mái. Ví dụ như cháu và một bạn cùng lớp tranh nhau cái thước kẻ, chẳng may con tôi cào vào mặt bạn một chút là cô bắt cháu làm bản kiểm điểm về lấy chữ ký phụ huynh. Cháu có thể vì sợ nên chưa dám đưa ngay cho bố mẹ thì sáng hôm sau cô giáo gọi cho tôi nói: "Chị có biết con chị đã làm gì ở lớp không? Làm bố mẹ mà không dạy dỗ con tử tế, đánh bạn rồi cô yêu cầu làm bản kiểm điểm cũng không thèm nộp. Chị cần phải nghiêm khắc với con không thì sau này khó dạy dỗ lại đổ lỗi cho cô giáo". Tôi về hỏi, con nói chẳng may làm xước mặt bạn, tôi cũng gọi điện xin lỗi gia đình bạn kia thì bố bạn nói không sao, chỉ là các cháu đùa nhau, không có vấn đề gì. Với phụ huynh mà cô giáo còn nói như thế thì tôi nghĩ rằng các cháu sẽ không thể nhận được sự tử tế hơn khi ở trên lớp. 

Trường có bể bơi 4 mùa rất hoành tráng nhưng chỉ để kinh doanh, học sinh trong trường họa hoằn lắm mới được bơi một buổi. Điều duy nhất cháu hay kể chỉ là về bạn bè chứ tuyệt nhiên không bao giờ chia sẻ việc học ở trường lớp mặc dù tôi cố ý hỏi.

Khi cháu học hết lớp 6, chúng tôi thấy việc học của con quá vất vả mà kết quả học không tốt, con thì lầm lỳ, ít nói vì đang tuổi dậy thì nên quyết định chuyển cho con thử thay đổi môi trường sang dân lập. Trường chúng tôi chọn có mức học phí và bán trú là 4 triệu một tháng và lớp tối đa 30 học sinh (trong khi trước đây học công lập cả tiền bán trú + học thêm là 3,5 triệu/tháng, không kể thời gian thì mất rất nhiều).

Sau một tháng, cháu đã hòa nhập được với trường lớp và thầy cô. Cô chủ nhiệm của cháu nói: "Nếu con là một đứa trẻ bình thường, gia đình không cần con học vượt trội thì cháu không phải đi học thêm. Thời gian trên lớp đủ để các con lĩnh hội kiến thức cơ bản". Hết giờ học, cháu về là cất cặp, thay quần áo và ra sân đá bóng với các bạn. Buổi tối cháu chỉ học khoảng 30 phút là hết bài tập về nhà rồi đọc truyện hoặc xem TV. Gia đình tôi đã được ngồi ăn cơm cùng với nhau, cháu cũng hào hứng kể cho chúng tôi những việc ở lớp - điều mà trước đây cháu ít nói đến.

Lần đầu tiên tôi nghe cháu nói rằng: "Hóa ra môn lịch sử cũng thú vị mẹ ạ, nó không phải chỉ là những trang sách khô khan như trước đây con từng sợ". Lần đâu tiên tôi được con tặng cho một lọ nước hoa khô do chính tay con làm trong giờ công nghệ. Xúc động vô cùng bởi tôi lại được thằng con trai khô khan sau bao nhiêu năm kể từ khi nó 3-4 tuổi về ôm hôn và nói: "Con yêu mẹ nhất" bởi vì hôm nay con được học trải nghiệm yêu thương. Một tuần con được học bơi 1-2 buổi tại bể bơi của trường và tập Gym 1-2 lần trong phòng tập. Con rất thích việc đó bởi đã ý thức được tầm quan trọng của vóc dáng.

Tối hôm trước, trong lúc ăn cơm, chồng tôi hỏi con thấy trường lớp mới thế nào, cháu đã nói một câu duy nhất khiến tim tôi như ngừng đập: "Sao bố mẹ không nghĩ đến việc chuyển trường cho con sớm hơn nhỉ, con như được sống lại ý". Tôi thấy chồng rơm rớm nước mắt và đi sang phòng khác.

Tôi và chồng thở phào nhẹ nhõm vì có lẽ mình đã đi đúng hướng giúp con cân bằng lại tâm sinh lý. Vui vẻ, hạnh phúc là điều mà trước đây chúng tôi xếp sau việc muốn con học giỏi. Hơn nữa, thực tế gia đình tôi đã được chứng minh con đã học nhiều mà không giỏi.

Tôi không bao giờ có ý chê trường công bởi nếu chê tôi đã không cho con theo học dài hơi đến vậy, công lập vẫn luôn là lựa chọn số một. Tôi cũng chúc mừng những gia đình có con học công lập mà học tốt, vui vẻ và hạnh phúc bởi các bạn đã có được sự lựa chọn đúng và phù hợp với con mình. Còn với những bố mẹ thấy con mình có vấn đề như con trai tôi, hãy mạnh dạn tìm hiểu và thay đổi môi trường cho con bởi mỗi đứa trẻ sẽ phát triển khác nhau và cần một môi trường phù hợp. 

Việt Hà

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment