Tinh bột nghệ hiện nay khá phổ biến và hữu dụng được sử dụng rộng rãi, tuy nhiên đối với bệnh nhân già yếu nếu dùng không đúng cách dễ tạo kết dính bã thức ăn gây tắc ruột.
Trường hợp điển hình
GS.TS Đào Văn Long, chuyên gia cao cấp tiêu hóa gan mật, khoa Tiêu hóa (bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân N.V.H. (nam, 74 tuổi) đã được phẫu thuật cắt ¾ dạ dày với chẩn đoán ung thư dạ dày, loại ung thư biểu mô tế bào nhẫn. Bệnh nhân được phẫu thuật tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã 3,5 tháng. Sau khi ra viện, bệnh nhân được các bác sĩ tư vấn đây là loại ung thư dạ dày đáp ứng kém với hóa chất, vì vậy nên dùng các thuốc nâng cao sức khỏe. Gia đình cho bệnh nhân dùng bột tam thất, tinh bột nghệ trộn với mật ong, linh chi để mong bệnh nhân sớm hồi phục.
Bệnh nhân ăn cháo, súp ninh nhừ gần 3 tháng. Từ sau tháng thứ ba trở đi, bệnh nhân có ăn bổ sung xen kẽ cơm, bánh đa, miến. Sau đó, bệnh nhân thấy có tình trạng ăn không tiêu, ậm ạch, ợ nóng và hơi thở mùi hôi. Bệnh nhân đã đến soi dạ dày kiểm tra tình trạng liền vết thương sau phẫu thuật.
Người cao tuổi sử dụng tinh bột nghệ không đúng cách rất nguy hiểm. |
Bệnh nhân lớn tuổi đã có tiền sử tai biến mạch máu não 2 lần (năm 53 tuổi và năm 70 tuổi) và đặt máy tạo nhịp tim điều trị mạch chậm cách đây 3 năm (năm 71 tuổi). Bệnh nhân được soi dạ dày tiền mê lần 1 vào ngày 12/6/2017, kết quả cho thấy dạ dày đã cắt một phần và nối thông với hỗng tràng, miệng nối hẹp tương đối, bờ miệng nối xung huyết, phù nề mạnh. Có một khối bã thức ăn kết dính rất lớn choán gần như toàn bộ phần dạ dày còn lại. Bác sĩ đã tiến hành cắt nhỏ và gắp phần lớn khối bã thức ăn bằng snare.
Khối bã thức ăn gắp ra là khối kết dính chủ yếu của tinh bột nghệ quyện với chất xơ của thức ăn. Khối thức ăn có mùi hôi khó chịu. Bệnh nhân được khuyên ăn thức ăn ninh nhừ hoặc xay nhuyễn và uống nước quả bổ sung vitamin kết hợp với điều trị nội khoa theo đơn. Bệnh nhân được nội soi gắp bã thức ăn lần 2 ngày 19/6/2017 và chỉ lấy được tiếp một phần bã thức ăn trong dạ dày.
Bệnh nhân nội soi dạ dày lần thứ ba vào ngày 26/6/2017. Kết quả soi có khối bã thức ăn lớn, tiến hành tán nhỏ bằng snare sau đó lấy hết bằng vợt chuyên dụng. Sau thủ thuật quan sát niêm mạc phần còn lại của dạ dày xung huyết, niêm mạc miệng nối phù nề xung huyết có loét gây chít hẹp một phần, đèn soi vẫn đi qua được và quan sát ở dưới tá tràng bình thường.
Lưu ý khi dùng tinh bột nghệ trộn với mật ong
Đối với trường hợp bệnh nhân N.V.H., các bác sĩ nghĩ nhiều đến quá trình tạo thành khối bã thức ăn, khả năng là do bệnh nhân dùng tinh bột nghệ trộn với mật ong nên dễ kết dính với xơ của thức ăn tạo thành khối bã. “Bệnh nhân sau phẫu thuật cắt ¾ dạ dày ở người 74 tuổi, tiền sử đã có 2 lần tai biến mạch não và đặt máy tạo nhịp tim nên nhu động ruột co bóp kém cũng là yếu tố thuận lợi để hình thành nên khối bã thức ăn”, GS.TS Long chia sẻ.
GS.TS Đào Văn Long, chuyên gia cao cấp tiêu hóa gan mật, khoa Tiêu hóa (bệnh viện Bạch Mai), cho biết, khối bã thức ăn được hình thành khi bệnh nhân ăn những thực phẩm có nhiều chất tanin như: Hồng ngâm, xoài xanh, ổi… và thức ăn có nhiều chất bã xơ xen lu lô như măng... Đặc biệt lưu ý về thời điểm ăn, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Cộng thêm thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn. Khối bã thức ăn thường gặp ở người già và trẻ nhỏ do nhu động của đường tiêu hóa kém.
Áp dụng tiến bộ chuyên ngành nội soi tiêu hóa, không cần nằm viện
Điều trị cho bệnh nhân bị khối bã thức ăn trong dạ dày trước đây hầu hết phải áp dụng phương pháp phẫu thuật. Trong một số năm gần đây, nhờ sự tiến bộ của chuyên ngành nội soi tiêu hóa nên kỹ thuật gắp bã thức ăn qua nội soi đã ra đời và được ứng dụng thành công nhiều. Kỹ thuật này giúp bệnh nhân tránh được cuộc phẫu thuật. Sau thủ thuật gắp bã thức ăn qua nội soi, bệnh nhân điều trị ngoại trú và được chăm sóc tại nhà mà không cần nằm viện điều trị nội trú. “Tuy nhiên, những trường hợp bã thức ăn quá lớn, quá cứng không thể cắt được bằng snare hoặc tời tán nghiền nhỏ bã thức ăn thì có thể xem xét phẫu thuật để lấy khối bã thức ăn”, GS.TS Long cho biết thêm.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, cần lưu ý cách ăn uống cho người cao tuổi: Thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ... Mọi người nên uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày; tập thể dục đều đặn (giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt); nấu chín thức ăn, nhai kỹ khi ăn - đặc biệt là người già; không nên nuốt những thức ăn dai, cứng như gân, sụn, canh măng dễ tạo thành nhân cho thực phẩm khác kết dính, vón cục.
Khi dùng tinh bột nghệ nên dùng Nano Curcumin là sản phẩm được chuyển giao từ đề tài Nghiên cứu của viện Hàn Lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam có chất lượng cao. Đối với bệnh nhân già yếu không nên dùng tinh nghệ dạng viên hoàn hoặc trộn đặc để ăn. Không nên dùng tinh bột nghệ uống cùng với nước cam dễ tạo kết dính bã thức ăn. Điều quan trọng cần kết hợp điều trị nội khoa theo chỉ định của bác sĩ.
Theo Sức khỏe và Đời sống
No comments:
Post a Comment