Monday, February 29, 2016

Viêm màng não mô cầu: Triệu chứng đáng sợ và cách ngăn chặn lây lan

Bộ Y tế cũng gửi công văn khẩn đến sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai các biện pháp cần thiết ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh nguy hiểm này.

Cách ly gần 50 người để theo dõi

Trường hợp đầu tiên trong năm 2016 mắc viêm màng não mô cầu bị tử vong là em Đỗ Thị X. (sinh năm 1998, trú phường Tứ Minh, TP.Hải Dương; học sinh lớp 12, trường THPT Lương Thế Vinh, Hải Dương).

Trao đổi với PV, ông Bùi Huy Nhanh, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương cho biết, theo thông tin từ phía gia đình và bệnh viện 108, ngày 20/2/2016 bệnh nhân sốt nhẹ, đau đầu.

Đến khoảng 19h cùng ngày bệnh nhân đi vệ sinh bị ngã, gia đình đã đưa đến khám, điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Tại đây, bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết, đã được các bác sỹ hội chẩn và chuyển đến viện Quân y 108.

  Viêm màng não mô cầu: Triệu chứng đáng sợ và cách ngăn chặn lây lan - Ảnh 1

Bệnh nhân viêm màng não mô cầu phải điều trị cách ly tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới. (Ảnh tư liệu).

Khoảng 1h ngày 21/2, khoa Hồi sức cấp cứu Viện Quân y 108 tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, rối loạn đông máu. Bệnh nhân đã được cấy máu, chọc dịch não tủy, xét nghiệm dịch họng. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết/viêm màng não mủ do não mô cầu. Bệnh nhân tử vong lúc 10h ngày 22/2.

Ông Nhanh cho biết, sau khi xác định bệnh nhân tử vong do viêm màng não mô cầu, trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với trung tâm Y tế TP đã thực hiện hàng loạt biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. “Đây là trường hợp tử vong vì viêm não mô cầu đầu tiên tại địa phương, sau hơn 10 năm không ghi nhận ca mắc nào.

Lực lượng chức năng đã cử cán bộ xuống giám sát tại hộ gia đình. Khoảng 50 người tiếp xúc với bệnh nhân hiện được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, giám sát tại gia đình để có thể phát hiện sớm bệnh khi có dấu hiệu. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng hướng dẫn người dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, khử khuẩn lớp học, gia đình và các hộ lân cận”, ông Nhanh nói.

Trước đó, vào tháng 8/2015, chúng tôi cũng đã phản ánh trường hợp một bệnh nhân 13 tuổi (quê Ý Yên, Nam Định) cũng mắc bệnh viêm màng não mô cầu và được điều trị cách ly tại khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại thời điểm đó, chị Nguyễn Thị T. (mẹ của bệnh nhân) đã chia sẻ với PV về sự bất ngờ trước mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.

Chị T. cho biết: “Biểu hiện của cháu không có gì quá bất thường. Cháu tỉnh dậy và kêu đau người, chân tay nhức mỏi, họng đau, đầu nóng. Tôi có đi mua thuốc hạ sốt cho con uống. Sau khi uống, cháu có đỡ sốt. Hôm sau, cháu đi học và kêu đau đầu nên cô giáo cho về nhà. Sau đó, suốt 6 giờ sau, cháu bị sốt cao liên tục đến 400C và liên tục ôm đầu kêu đau, kèm theo nôn ói”.

Theo các bác sỹ, rất may trường hợp này được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc, nên không để lại di chứng sau điều trị.

Đa số người nhà của bệnh nhân mắc bệnh viêm màng não mô cầu mà PV từng có dịp tiếp xúc tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đều cho biết, người thân của họ khi có các dấu hiệu như đau đầu, sốt, họ đều nghĩ con em bị cảm sốt bình thường.

Tại Việt Nam, bệnh viêm màng não mô cầu xuất hiện quanh năm, có thể xảy ra dịch vào mùa thu, đông và xuân. Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 ghi nhận các trường hợp mắc bệnh rải rác tại một số tỉnh, thành như: TP.HCM, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Hải Dương...

Bệnh lý dễ gây thành dịch

Ngay sau khi xuất hiện ca tử vong đầu tiên do viêm màng não mô cầu năm 2016, cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Giám đốc sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống bệnh do não mô cầu. Công văn cũng yêu cầu điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở điều trị, lập báo cáo gửi về viện Vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur và cục Y tế dự phòng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho biết, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Vi khuẩn não mô cầu gồm có 4 nhóm chính: A, B, C và D, não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất. Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn.

Cũng theo PGS. Trần Đắc Phu, bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu. Nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ và cũng ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.

Giải thích thêm về mức độ nguy hiểm của bệnh này, thạc sỹ Nguyễn Trung Cấp, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay: “Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng: Sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.

Tại Việt Nam, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều nơi, trước kia có thể gây thành dịch, tuy nhiên hiện nay bệnh chỉ xuất hiện rải rác trong năm. Hằng năm, bệnh viện chúng tôi vẫn phát hiện một số ca mắc bệnh nhập viện.

Ngay khi có kết quả chuẩn xác bệnh nhân mắc bệnh này, bệnh viện đều tiến hành thông báo về địa phương, về các cơ sở y tế mà bệnh nhân có đi qua để có chiến lược dự phòng cho người đã tiếp xúc với bệnh nhân. Bởi căn bệnh não mô cầu lây lan khá dễ dàng qua đường hô hấp, là bệnh lý dễ gây thành dịch, nên các biện pháp dự phòng với những người tiếp xúc gần là vô cùng cần thiết”.

Để phòng căn bệnh nguy hiểm này, tránh lây lan trong cộng đồng, cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, xuất hiện tử ban trên da (ban màu tím, thâm đen), buồn nôn và nôn, cổ cứng... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Hậu quả từ di chứng

Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 650 trường hợp nhiễm viêm màng não mủ do vi khuẩn, trong đó vi khuẩn não mô cầu chiếm khoảng 14%.

Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ 10-20%. Trong cộng đồng, tỉ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng 5-25%. Tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn tại khu vực ổ dịch.

Đỗ Thơm

No comments:

Post a Comment