Xác cá mập và cá đuối chết hàng loạt trên bãi biển California. Video: National Geographic.
Một nhà nghiên cứu bệnh học ở Cơ quan Cá và Động vật hoang dã California (CDFW), Mỹ, đã xác định được thủ phạm khiến hàng nghìn con cá mập và cá đuối biến thành xác sống và chết ở vịnh San Francisco trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 năm nay, National Geographic hôm 27/10 đưa tin.
Mark Okihiro, chuyên gia nghiên cứu bệnh học ở loài cá, bắt đầu tiếp nhận xác cá mập chanh và cá đuối dơi dạt vào các bờ biển quanh khu vực trung tâm của vịnh vào đầu mùa xuân. Có thứ gì đó đã chui qua mũi cá mập, bám vào não chúng và ăn sạch não, khiến cá mập trở nên mất phương hướng, bơi như "xác sống" và cuối cùng mắc cạn hoặc chết.
Dựa vào số lượng cá dạt vào, Okihiro ước tính hơn 1.000 cá mập chanh, 200-500 cá đuối dơi, hàng trăm cá vược sọc, hàng chục cá mập nhám, cá bơn lưỡi ngựa, cá đuối đỉa và cá giống dài đã chết vì loài sinh vật chuyên ăn não bí ẩn này.
Okihiro quyết định mổ xác cá mập và phát hiện những tổn thương ở khắp não con vật, nhưng không thể biết rõ thứ gì gây nên tổn thương này. Ông hút dịch não tủy từ vài con cá mập và gửi mẫu vật đến phòng thí nghiệm của Đại học California, San Francisco.
Hanna Retallack, nghiên cứu sinh cao học ở phòng thí nghiệm, sử dụng kỹ thuật mang tên giải trình tự thế hệ mới để xem xét tất cả ADN và ARN trong dịch não để tìm hiểu nguồn gốc của sinh vật gây hại. Trong khi 99% vật liệu di truyền trong mẫu dịch là của cá mập, Retallack đã chiết xuất và phân tích 1% còn lại, trong đó có một chuỗi ARN nổi bật.
Retallack đối chiếu chuỗi ARN này với dữ liệu ở Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia, tìm thấy kết quả trùng khớp từ loài ký sinh trùng giết cá nổi tiếng mang tên Miamiensis avidus.
"Chúng tôi có khả năng nhận dạng loài rất tốt ở mức độ phân tử. ARN chúng tôi thấy trong mẫu vật chỉ có riêng ở loài này", Retallack chia sẻ.
Miamiensis avidus là một động vật nguyên sinh có lông mịn gắn liền với cái chết nhiều loài cá nuôi, đặc biệt là cá bơn vỉ ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Cá nhiễm ký sinh trùng có nhiều triệu chứng giống như những con cá mập mắc cạn ở vịnh San Francisco, bao gồm xuất huyết và loét. Theo báo cáo hồi tháng 7 của Okihiro, Miamiensis avidus cũng chịu trách nhiệm gây ra những đợt bùng phát dịch ở các trại ấp trứng cá lù đù trắng ở nam California, bao gồm đợt bùng phát năm 2010 khiến 250.000 con cá chết hoặc bị tiêu hủy.
Theo Retallack, đây dường như là trường hợp đầu tiên Miamiensis avidus lây nhiễm ở cá mập hoang dã. Điều này rất đáng chú ý bởi cá mập khá khác biệt về mặt tiến hóa so với những loài cá có xương nhiễm ký sinh trùng được ghi nhận trước đó.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, Okihiro suy đoán ký sinh trùng sinh sống sẵn bên trong một số loài cá ở vịnh San Francisco và do một số lý do, chúng lây sang cá mập, cá đuối và nhiều loài cá khác.
Cá mập báo bơi tới vùng nước nông với số lượng lớn vào mùa xuân và mùa hè để sinh sản. Số lượng đông tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh. Những cơn mưa kỷ lục ở miền bắc California cũng có thể góp phần thúc đẩy dịch bệnh. Những lần cá mập chết hàng loạt trước đây ở vịnh San Francisco vào năm 2006 và 2011 cũng xảy ra vào mùa đông nhiều mưa hơn bình thường. Một số tổ chức bảo tồn ở vùng vịnh đặt giả thuyết lượng muối thấp bất thường trong nước biển có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của cá mập. Có thể những cơn mưa cuốn theo nhiều chất độc sinh hoạt xuống vịnh, khiến cá mập trở nên yếu hơn.
"Tất cả những nguyên nhân đó rất khó xác định rõ. Nhưng ít nhất giờ đây chúng tôi đã có xuất phát điểm", Okihiro nói.
Phương Hoa
No comments:
Post a Comment