Lâu nay, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng bệnh đái tháo đường chỉ xuất hiện ở tuổi trung niên, khi các chức năng của cơ thể suy yếu dần. Nhưng trên thực tế, số trẻ em mắc căn bệnh này đang ngày càng gia tăng. Không ít trường hợp được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch: Hôn mê, sốc, mạch nhanh, huyết áp tụt.
Theo Boldsky, một số trẻ em bị tiểu đường tuýp 1. Bệnh xảy ra do tổn thương ở một số loại tế bào trong tuyến tụy. Cơ thể trẻ không thể sản sinh insulin, khiến cơ thể khó chuyển đổi carbonhydrat hấp thu được thành năng lượng. Ngoài ra, lượng đường trong cơ thể tăng vọt vì insulin cũng đóng vai trò trong dự trữ đường thích hợp.
Ảnh minh họa. |
Ở những trẻ bị tiểu đường tuýp 2, đường huyết có xu hướng tăng cao vì cơ thể trở nên kháng với insulin. Bệnh cũng có thể gây nên các vấn đề về thận, tim, và thậm chí mù lòa nếu không được xử lý kịp thời.
Trong khi đó, tiền tiểu đường là tình trạng trẻ có đường huyết cao nhưng chưa đến mức như tiểu đường. Khi tình trạng này được kiểm soát thì có thể trì hoãn bệnh tiểu đường.
Nếu cha mẹ không để tâm, phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh có thể diễn biến âm thầm trong khoảng thời gian dài và để lại biến chứng nặng nề như hôn mê, nhiễm toan xeton và sau này là các bệnh lý về tim, hệ mạch máu, tổn thương thần kinh, thận, mắt, da và miệng, loãng xương...
Chia sẻ về cơ chế gây bệnh, bác sĩ Cấn Thị Bích Ngọc, chuyên khoa Nội tiết - chuyển hóa - Di truyền cho biết nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường rất phức tạp. Bệnh này xảy ra khi có sự kết hợp giữa yếu tố gene trong cơ thể với một số yếu tố môi trường. Nếu một người mang gene bệnh mà tiếp xúc với yếu tố kích hoạt bên ngoài thì có thể mắc tiểu đường. Cũng theo Boldsky, bệnh tiểu đường ở trẻ em có thể do nhiều yếu tố gây nên, bao gồm di truyền, tổn thương tế bào tuyến tụy do nhiễm vi-rút, điều kiện sống, béo phì và các yếu tố môi trường.
Theo Sức khỏe đời sống, các biểu hiện của bệnh đái tháo đường bao gồm:
1. Khát nhiều và tiểu nhiều
Đây là các dấu hiệu điển hình của bệnh đái tháo đường. Bệnh nhất khát nhiều, uống nhiều và đi tiểu nhiều.
Đường tích tụ quá nhiều trong máu khiến thận phải làm việc tích cực hơn để lọc và hấp thu lượng đường dư thừa. Khi thận không còn khả năng hoàn thành việc này, đường dư trong máu sẽ được bài tiết thẳng vào nước tiểu, kéo theo nhiều dịch tế bào bị kéo vào máu và thải ra ngoài cùng nước tiểu. Bệnh nhân sẽ đi tiểu thường xuyên hơn và có thể bị mất nước. Bệnh nhân càng uống nhiều nước để giải tỏa cơn khát thì càng đi tiểu nhiều hơn
2. Tăng cảm giác đói
Bệnh nhân đói nhiều hơn bình thường, có thể đói dữ dội kéo dài ngay cả sau khi ăn. Nguyên nhân là do cơ thể thiếu insulin nên đường trong máu tuy cao nhưng đường trong tế bào vẫn bị thiếu hụt, khiến các mô cạn kiệt năng lượng.
3. Mệt mỏi
Bệnh nhân có thể thường xuyên mệt mỏi. Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này, trong đó có tình trạng thiếu nước do đi tiểu nhiều và các tế bào bị đói, cạn kiệt năng lượng, làm giảm khả năng hoạt động của cơ thể.
4. Sụt cân
Bệnh nhân mất nhiều năng lượng do bị thải nhiều đường qua nước tiểu. Tuy người bệnh phải ăn nhiều hơn bình thường để giảm cảm giác đói nhưng do mô không nhận đủ năng lượng từ đường trong thức ăn nên cơ thể phải lấy năng lượng từ mô mỡ đã tích lũy trước đó, dẫn tới giảm cân nhanh chóng.
5. Nhìn mờ
Lượng đường trong máu cao dẫn tới tình trạng rút dịch từ các mô, trong đó có mô thủy tinh thể của mắt. Điều này ảnh hưởng tới khả năng điều chỉnh tiêu cự của người bệnh. Nếu không được điều trị, tiểu đường có thể dẫn tới hình thành các mạch máu mới ở võng mạc, gây tổn thương các mạch máu ở đây.
Với đa số bệnh nhân, những thay ban đầu không gây rắc rối cho thị lực, nhưng nếu phát hiện muộn, chúng có thể dẫn tới mất thị lực và mù lòa.
Bệnh đái tháo đường type 1 cần điều trị suốt đời, tiêm insulin. Bệnh nhân cần tập thể dục thường xuyên và duy trì trọng lượng khỏe mạnh. Ăn thực phẩm lành mạnh. Kiểm soát glucose máu. Chăm sóc tâm lý. Chăm sóc đặc biệt khi bị ốm.
N.H(Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment