Video HOT Nhất Trong Ngày
Văn Hóa - Khu di tích danh thắng Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) những ngày nghỉ sau Tết, lượng khách thập phương đổ về chiêm bái quá đông, gây tắc nghẽn khắp nơi. Đặc biệt, các ngày nghỉ cuối tuần 27, 28/2 vừa qua, lượng người dân đổ về đây lễ chùa, vãn cảnh đông "khủng khiếp".
>> Nghi lễ chầu văn - hầu đồng của Việt Nam gây ấn tượng mạnh cho các vị đại sứ
>> 4 điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong tháng 3 tại Việt Nam
Gian nan đường vào ga cáp treo
5h sáng ngày 27/2, khi các tuyến phố ở nội đô Hà Nội còn thưa thớt người xe thì con đường từ ngã ba Ba La (Hà Đông) đến bãi đỗ xe của Chùa Hương lại tấp nập xe cộ. Càng vào gần Chùa Hương lượng xe máy, xe khách, xe con chở người dân đi lễ càng đông. Nhiều đoạn đã xảy ra ùn tắc cục bộ khi các xe chạy cùng chiều phải len lỏi trên những đoạn đường hẹp. Lực lượng chức năng gồm CSGT, TTGT và cảnh sát trật tự địa phương đã phải dàn quân từ 4 - 5h sáng để điều tiết giao thông, hướng dẫn người dân, xe cộ đi đúng tuyến. Vào bãi đỗ xe của Chùa Hương, nơi du khách phải xuống xe đi bộ hoặc sử dụng dịch vụ xe điện để đến bến đò thì ở đây đã chật kín xe ô tô các loại.
Sau khi thoát vòng vây của các loại phương tiện, du khách thập phương lại phải đối diện với “vòng vây người”. Từ bến đò đến đền Trình, du khách phải lưu thông trong cảnh chen chúc. Từ đầu giờ sáng đến qua trưa, lượng khách vào ngày càng đông và cảnh chen nhau “kiếm chỗ để chân” diễn ra phổ biến ở mọi cung đường. Có mặt tại đền Trình vào hồi 7h sáng 27/2, chị Trần Thị Linh, một du khách đến từ quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) thảng thốt: “Ai cũng bảo Chùa Hương ngày nghỉ cuối tuần sau Tết đông lắm, sáng phải dậy từ lúc 3h, 4h xuất phát, những tưởng khi tới nơi sẽ ít người, ai ngờ mới đầu giờ sáng mà đã đông đúc như thế này”.
Tại đền Trình, lượng du khách đến lễ bái đông đến nỗi mọi chỗ trống trên sân quanh đền đều được trưng dụng để đứng làm lễ. Những du khách nào sắm mâm lễ, muốn len vào đặt lễ trên ban thờ thì chỉ còn cách phải đội lễ lên đầu để tránh xô va, đổ vỡ.
Rời đền Trình, du khách xuống thuyền vào Bến Đục - Chùa Thiên Trù, rồi lên ga cáp treo. Những tưởng ở đền Trình đã đông đúc, ở ga cáp treo còn đông người gấp bội. Con đường đi bộ từ bến đò vào ga cáp treo du khách phải di chuyển theo dòng. Muốn di chuyển thì chẳng còn cách nào khác là phải đi... chậm và đều, ai muốn “phóng nhanh, vượt ẩu” đều vấp phải “bức tường” người di động đang tiến về phía trước.
Tại ga cáp treo đầu giờ sáng ngày 27/2, từ cổng vào lên khu cabin chưa đầy trăm mét nhưng du khách phải len lỏi trong hàng trăm mét rào dích dắc. Và để lưu thông hết quãng đường này, nhanh nhất du khách cũng phải mất từ 30-45 phút vào đầu giờ sáng. Còn vào đầu giờ trưa thì cũng mất ngót từ 1-2 giờ đồng hồ cho đoạn đường ngắn ngủi này. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lượng du khách đổ về đây quá đông. Cáp treo hoạt động hết công suất nhưng vẫn không giải phóng xuể.
Hàng trăm chiếc đò thiếu áo phao
Tình trạng tắc nghẽn cục bộ còn xảy ra ở khu vực như đường vào động Hương Tích. Và cũng giống đường vào ga cáp treo, du khách phải di chuyển bằng cách nhích từng bước một để lọt qua cổng vào động. Thời gian để đi hết quãng đường từ cổng vào động cũng mất ngót nghét từ một đến một tiếng rưỡi đồng hồ. Vào trong động, nhiều du khách được người đi trước khuyến cáo không nên vào sâu vì có thể... vài tiếng sau mới ra được!
Đầu giờ trưa ngày 27/2, mọi chỗ trống trong động Hương Tích đều ken đặc... người. Và để đảm bảo an toàn cho du khách cũng như giữ vệ sinh môi trường, Ban quản lý Chùa Hương cấm các hoạt động đốt nhang, hóa vàng mã, sớ ở trong động. Một khuyến cáo khác cũng được Ban quản lý đưa ra đó là nghiêm cấm việc leo trèo, ngồi lên các vách đá, mỏm đá trong hang nhưng quy định này cũng bị du khách phớt lờ. Lý giải cho hành động này, nhiều du khách cho rằng, đi bộ vào động lâu quá nên mỏi chân. Nhiều du khách cho biết, phải kiếm một chỗ để ngồi lấy sức còn bon chen để ra khỏi động. Bác Cao Thu Hồng, du khách đến từ Hưng Yên cho biết, ở xa nên đã chuẩn bị đồ để lễ ở chùa Hương hai ngày. Ngày đầu còn khỏe, đến ngày thứ hai thì đuối hẳn nhưng đã đến nên phải cố. Dù biết quy định cấm được phát qua loa nhưng vẫn phải kiếm một chỗ ngồi nghỉ chân.
Đến chùa Hương, đò là một phương tiện không thể thiếu cho hành trình hành hương lễ bái. Tại các bến đò có trên 4.400 chiếc đò neo đậu, chuyên chở phục vụ khách. Lái đò phần đa là người địa phương, phục vụ rất tận tâm, chu đáo nhưng... thiếu an toàn. Đến đây, một thực tế mà ai cũng dễ nhận thấy đó là cả ngàn chiếc đò mà trong đó phần lớn không trang bị áo phao cho du khách(?). Thực trạng này dường như đối lập với việc trang bị, khuyến cáo chấp hành quy định mặc áo phao của các nhà đò miền Nam khi du khách tham gia các tour du lịch khám phá miền kênh rạch. Khi du khách hỏi áo phao thì nhà đò chỉ khuyến cáo, yêu cầu du khách ngồi đều, cân thuyền là vô tư lướt sóng mà không sợ chìm đò(?). Một chủ đò ở khu di tích này cho biết, mỗi ngày có thể chèo từ 2 - 4 lượt đò. Với 4.400 đò, mỗi ngày ở các bến đò của khu di tích chùa Hương có đến hàng vạn lượt đò xuất bến phục vụ cho cả mấy trăm ngàn du khách, nhưng gần như phần lớn du khách đều không được trang bị thiết bị bảo hộ này.
Theo: Minh Anh (Báo Hạnh Phúc và Gia Đình)
Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tac-nghen-o-chua-huong-cuoi-tuan-di-nhu-hanh-xac-le-vao-lung-nhau-20160228234859843.htm
No comments:
Post a Comment