Wednesday, March 9, 2016

Ngành Y tế và 6 thành tựu nổi bật năm 2015

Ngành Y tế và 6 thành tựu nổi bật năm 2015. Đạt chuẩn quốc tế về quản lý vaccine, kỹ thuật ghép tạng mang tầm châu Á... là 2 trong 6 thành tựu nổi bật của ngành Y tế Việt Nam trong năm 2015.

1. Mang thai hộ - Tín hiệu vui cho người hiếm muộn

Một thành tích đáng ghi nhận khác là việc thực hiện thành công hai ca mang thai hộ đầu tiên ở Việt Nam tại bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) sau khi Luật Hôn nhân và gia đình được sửa đổi hợp pháp hóa dịch vụ này. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn đang mong muốn có con ở Việt Nam.

Nâng cao thái độ phục vụ và chất lượng khám chữa bệnh là ưu tiên hàng đầu của Bộ Y tế hiện nay

2. Đạt chuẩn quốc tế về quản lý vaccine

Dù đang phải đối mặt với một nhiệm kỳ đầy thách thức, với nhiều vấn đề còn tồn đọng cần được giải quyết triệt để, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn rất tự hào về những thành tích mà ngành đã đạt được trong năm 2015, cũng như lạc quan về những đổi mới trong năm 2016. Trong đó, điều khiến Bộ trưởng tâm đắc nhất là sau 14 năm phấn đấu, Việt Nam đã chính thức trở thành một trong 39 nước được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đạt tiêu chuẩn Hệ thống quản lý Quốc gia về vaccine (NRA). Theo Bộ trưởng Tiến, chứng nhận NRA hiện nay vẫn được xem là thách thức với những nước phát triển, cho thấy chất lượng vaccine của Việt Nam đã vươn tới tiêu chuẩn quốc tế. "Thành tích này không những giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng phí nhập khẩu vaccine ngoại mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu cho vaccine Việt Nam, đồng thời hỗ trợ tích cực cho công tác triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng của nước ta", Bộ trưởng Tiến chia sẻ.

em-be-mang-thai-ho-o-vn-3663-1.jpg

Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ ở Việt Nam

3. Kỹ thuật ghép tạng mang tầm châu Á

Trong công tác khám, chữa bệnh, nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại đã được triển khai và cứu chữa thành công hàng nghìn ca bệnh phức tạp. Điển hình là ca ghép tạng "xuyên Việt" do Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cùng hợp tác thực hiện. Dù kỹ thuật ghép tạng ở Việt Nam đã được áp dụng từ nhiều năm qua. Nhưng đây là lần đầu tiên tạng của một người bị chết não vượt hành trình gần 1.700km từ bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) ra Hà Nội để ghép cho 2 bệnh nhân suy tim, suy gan giai đoạn cuối. Theo nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thế Dũng, đây có thể xem là một kỉ lục về ghép tạng không chỉ ở nước ta mà còn trong khu vực châu Á. "Trái tim và lá gan từ khi lấy ra đến khi được ghép xong cho bệnh nhân cách hai đầu Nam - Bắc chỉ mất khoảng 7 tiếng đồng hồ. Từ trước đến nay, nguồn tạng để cấy ghép ở Việt Nam chủ yếu là từ người khỏe mạnh, còn trường hợp đã chết lâm sàng thì hầu như chưa có. Chưa kể quãng đường hàng nghìn cây số đòi hỏi cách bảo quản và vận chuyển phức tạp", ông Dũng chia sẻ.

4. Đổi mới phong cách phục vụ bệnh nhân

Trong lĩnh vực dịch vụ chăm sóc y tế, không thể phủ nhận năm vừa qua đã xảy ra nhiều trường hợp cán bộ, nhân viên y tế có thái độ chưa đúng mực với người bệnh, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành và mất niềm tin của người dân. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã triển khai "Đề án Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh" để mỗi cá nhân, nhân viên y tế xây dựng chân dung, hình ảnh người thầy thuốc tận tâm vì công việc. Với phương châm "lấy người bệnh làm trung tâm", sau một thời gian được áp dụng tại các cơ sở y tế trên cả nước, đề án đã mang lại những tiến bộ bước đầu đáng khích lệ.

5. Giảm tải bệnh viện hiệu quả

Nhằm giải quyết tình trạng quá tải và nằm ghép tại nhiều bệnh viện trung ương ở các thành phố lớn, Bộ Y tế cũng đã triển khai thực hiện "Đề án giảm tải bệnh viện và Bệnh viện vệ tinh". Theo đó, nhờ hoạt động hiệu quả của 48 bệnh viện vệ tinh, rất nhiều bệnh nhân đã được thụ hưởng những dịch vụ y tế chất lượng ngay tại địa phương mình sống, giúp tỷ lệ chuyển tuyến năm 2015 giảm rõ rệt so với các năm trước. Ngoài ra, mô hình "Phòng khám Bác sĩ gia đình" cũng được triển khai thí điểm thành công, góp phần không nhỏ vào công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

vac-xin-chuan-quoc-te-cua-vn-636-1.jpg

Vaccine Việt Nam được đánh giá đạt chuẩn quốc tế

6. Nâng tầm bệnh viện tư

Tại TP.HCM, số lượng bệnh viện tư đạt tiêu chuẩn mức 5 trong báo cáo tổng kết, kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2015 của Sở Y tế TP.HCM cũng ngang ngửa các bệnh viện tuyến công lập, nổi bật là Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. Đặc biệt, sau khi Thông tư 40/2015 và quy định về điều chỉnh tăng giá 1.904 dịch vụ y tế được ban hành, số lượng người bệnh đến với các cơ sở tư nhân ngày càng tăng. "Đa phần bệnh nhân, nhất là bệnh nhân có BHYT có tâm lý sợ chi phí cao khi vào bệnh viện tư. Tuy nhiên, với quy định về khám chữa bệnh diện BHYT cũng như quy định thống nhất giá dịch vụ kỹ thuật, thì nay bệnh viện công - tư đều tương đương nhau. Người bệnh có thể hưởng dịch vụ tốt mà không cần phải trả quá nhiều tiền", PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết.

Bên cạnh đó, nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ và chất lượng cơ sở vật chất là một điểm cộng khác của các bệnh viện tư. Điển hình là Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á vừa ký hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM trong lĩnh vực can thiệp tim mạch, thần kinh, ung thư, ngoại vi phẫu, chỉnh hình... Theo Thạc sĩ - bác sĩ Mai Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang, bệnh viện tư có lợi thế về thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giỏi nghề nhưng lại thiếu kinh nghiệm hoạt động nên nếu có sự học hỏi, trao đổi qua lại với các cơ sở công lập thì sẽ tiến bộ rất nhanh.

Theo NTD

Nguồn: http://baobaovephapluat.vn/suc-khoe-doi-song/201603/6-thanh-tuu-noi-bat-cua-nganh-y-te-viet-nam-2473560/

Video hot nhất trong tuần

No comments:

Post a Comment