Friday, March 11, 2016

Tôi lỡ yêu phải cháu gọi mình bằng cậu

Tôi quen cô ấy từ năm đầu đại học. Cha mẹ tôi và cô ấy đều rất khắt khe chuyện yêu đương nên cả hai giấu gia đình và cũng chưa bao giờ về nhà nhau chơi.

Sau 5 năm đại học, ra trường đi làm được một thời gian, chúng tôi mới quyết định nói với cha mẹ và dẫn nhau về gặp phụ huynh. Một sự thật nghiệt ngã đã đến. Sau khi nói chuyện với cha mẹ cô ấy, chúng tôi mới biết, mẹ cô ấy chính là chị gái ruột của tôi (cha mẹ tôi thất lạc chị thời di cư vào Nam). Cô ấy chính là cháu gái gọi tôi bằng cậu, một niềm vui nhưng trăm nghìn nỗi lo lắng và tuyệt vọng đổ ập đến. Tôi không biết phải làm sao nữa, khi tình yêu của tôi và cô ấy càng ngày càng sâu nặng, tôi và cô ấy suy sụp rất nhiều. Chúng tôi từng tính tới chuyện sẽ sống chung với nhau và sinh em bé.

Tôi rất mong nhận được tư vấn. Giả sử chúng tôi sinh con thì có nguy hiểm đến bé không? Hoặc có sự can thiệp nào từ y học để chúng tôi sinh con không bị ảnh hưởng di truyền về sau không? Hiện chúng tôi rất bế tắc. (Đức)

toi-lo-yeu-phai-chau-goi-minh-bang-cau

Ảnh: Quotesgram.

Trả lời

Việc sống chung giữa hai người cùng dòng máu trực hệ đã được khoa học chứng minh là có ảnh hưởng về di truyền và có thể tổn hại cho thế hệ sau. Điều này đến nay không còn tranh luận nữa. Chưa có cách nào để khắc phục việc cùng huyết thống trực hệ. Ở Việt Nam, trực hệ được tính đến bốn đời. Ngày xưa trực hệ được tính tới chín đời (cửu huyền), còn bên ngoại tính tới bảy đời (thất tổ).

Trường hợp của bạn không vi phạm pháp luật vì chưa có sự xác nhận lý lịch giữa bạn và cha mẹ cô ấy. Tuy nhiên, về đạo lý thì không được vì bạn thuộc gia đình cùng cha mẹ với mẹ cô ấy, tức là đời thứ ba với đời thứ hai. Nếu bạn cứ tiến tới tình cảm thì sự dằn vặt về “loạn luân” sẽ là một tâm lý ám ảnh bạn suốt đời. Nếu bạn quá nặng tình yêu để kết hôn thì việc tiếp theo lại là con cái lớn lên và nỗi ám ảnh của chứng di truyền đồng huyết. Đây là hai hiện tượng tâm lý không ai có thể thay đổi được vì là sự thật.

Với tình cảm đôi lứa, người ta có thể bỏ qua lý trí về hôn nhân cùng huyết thống. Nhưng với tình cảm của người chị và gia đình khi nhận ra nhau sau bao nhiêu năm thất lạc thì mọi người sẽ nghĩ gì khi bạn cứ sống như vợ chồng với cháu ruột. Như vậy, bạn đã chặn lối về của chị mình và những người thân của chị mình. 

Sự hy sinh tình yêu do hoàn cảnh thực tế luôn luôn cần đến ý chí để chiến thắng. Đặc biệt, trách nhiệm với thế hệ mai sau còn quan trọng hơn cả chúng ta hôm nay.

Trong trường hợp thật đến lạ lùng của bạn, chỉ có cách sử dụng ý chí để chiến thắng tình cảm, làm được như thế sẽ tạo ra cánh cửa hạnh phúc lớn hơn. Còn nếu sống vì tình cảm đôi lứa tầm thường thì cánh cửa hạnh phúc của bạn sẽ nhỏ lại. Bạn nên dừng tình yêu này lại và chuyển sang tình cảm gia đình.

GS.TS. Vũ Gia Hiền 

No comments:

Post a Comment