Thursday, March 10, 2016

6 ngày ở Trung Quốc tham quan cảnh "thần tiên" chỉ 10 triệu đồng

Chưa bao giờ du ngoạn xứ Trung lại đơn giản đến thế. Tất cả bí kíp du lịch đến Phượng Hoàng Cổ Trấn - Trương Gia Giới đều được chia sẻ tại đây với nhiều hình ảnh trong phim Avatar, Long Hổ Môn,... cực kì hùng vĩ và ấn tượng.

Sơ lược về Trương Gia Giới - Phượng Hoàng cổ trấn

- Trương Gia Giới nằm về phía Tây Bắc tỉnh Hồ Nam, giữa khu vực nhô lên của vùng cao nguyên tỉnh Vân Nam và Quý Châu. Nơi đây có công viên rừng quốc gia Trương Gia Giới, thung lũng Sách Khê thuộc khu bảo tồn thiên nhiên, khu phong cảnh Vũ Lăng Nguyên… Trương Gia Giới được ví như chốn thần tiên dưới hạ giới với hơn 3.000 cột đá và vách núi hình thù thiên biến vạn hóa được tạo nên từ đá sa thạch, nhiều cột đá sừng sững cao hơn 300m. Chính vì vậy nơi đây đã vinh dự được lấy cảm hứng làm cảnh quay trong bộ phim 3D bom tấn nổi tiếng thế giới Avatar.

Trương Gia Giới

- Phượng Hoàng là tên một cổ trấn thuộc Châu tự trị người Thổ Gia, người Miêu Tương Tây ở phía tây tỉnh Hồ Nam, cách Cát Thủ (Càn Châu) khoảng 53 km, địa cấp thị Trương Gia Giới khoảng 280 km. Phượng Hoàng trấn là trung tâm kinh tế, chính trị xã hội của cả vùng. Nằm cạnh con sông Đà Giang, thành cổ còn lưu giữ nhiều thành quách, những dãy phố, những căn nhà cổ, gia trang, văn miếu, đền chùa. Với 1.300 năm tuổi - Phượng Hoàng là một trong những bảo tàng sống về văn hóa các dân tộc.

Phượng Hoàng cổ trấn

Chuẩn bị trước khi đi

- Xin visa: 65$ + hộ chiếu gốc + ảnh 4x6 phông trắng + chứng minh thư photo + 4 ngày làm việc là bạn có ngay visa Trung Quốc với 1 lần đi trong 30 ngày.

- Đặt phòng khách sạn: Trên trang Booking hoặc Agoda.

Ngày 1

Cung đường đi Trương Gia Giới từ Hà Nội có thể hình dung ra như sau:

- Từ Hà Nội đi lên cửa khẩu Hữu nghị quan (Lạng Sơn), sau khi làm thủ tục xong bắt xe từ Bằng Tường đi Nam Ninh.

- Mua vé tàu lửa từ ga Nam Ninh tới Trương Gia Giới, số hiệu tàu 2012, xuất phát lúc 17g50 từ Nam Ninh tới Trương Gia Giới lúc 8g20 hôm sau, giá vé 130 tệ/giường. Tàu lửa chất lượng khá tốt, chạy tốc độ nhanh, rất đông người đi lại bằng tàu hỏa nên nếu có phiên dịch tiếng Hoa đi cùng thì bạn sẽ có nhiều cơ hội để tìm hiểu và khám phá cuộc sống của dân bản địa. Một lưu ý nữa là bạn phải thu xếp thời gian để xếp hàng chờ tàu ít nhất là 30 phút nếu không muốn bị lỡ tàu do quá đông người đi.

Cảnh đẹp như tranh vẽ ở Trương Gia Giới.

Ngày 2

- 8g30 sáng đến ga Trương Gia Giới, không khí bên ngoài khá lạnh, trước ga là quảng trường, bên trái là bến xe bus và các trung tâm mua sắm.

- Với sự giúp đỡ của một anh cảnh sát, đoàn đã đến được khách sạn đã booking trước đó.

- Chúng tôi về khách sạn sửa soạn thì đã muộn, lúc đó là 10h sáng nhưng theo sự chỉ dẫn của lễ tân thì không kịp đi Thiên Môn Sơn, vì vậy chúng tôi đi Hoàng Thạch Trại trước.

- Phong cảnh ở đây rất hùng vĩ, đi bộ hay đi cáp treo lên núi ngắm cảnh là những trải nghiệm tuyệt vời. Đoàn làm phim Avatar đã có nhiều cảnh quay tại đây.

- Lưu ý 18g cáp treo sẽ ngừng hoạt động, vì vậy bạn nên sắp xếp thời gian để về cho kịp.

- Buổi tối là thời gian trải nghiệm các món ăn đường phố và mua một ít đồ trong siêu thị để sáng sớm mai lên cáp treo đi Thiên Môn Sơn.

Ngày 3

- 4g sáng tất cả mọi người có mặt ở sảnh khách sạn để đi mua vé với sự trợ giúp của cô chủ khách sạn. Tuy nhiên với đoàn người dài dằng dặc xếp hàng vào dịp lễ thì phải đến 9g mới có tấm vé đi cáp treo trong tay. 

- Đoạn đường từ chỗ mua vé đến cáp treo vừa dài, vừa ngộp thở với cơ man người là người chen lấn, xô đẩy rồi cãi cọ, phải nhờ tới cả sự hỗ trợ của các lực lượng an ninh. Một kinh nghiệm xương máu cho những ai du lịch Trung Quốc vào ngày lễ. Nếu đi ngày thường chỉ mất khoảng 20 - 30 phút là lên được tới cáp treo. 

- Ngồi cáp tầm trên 30 phút, cáp đi từ tâm thành phố đi lên núi khá xa, đi qua 99 khúc cua huyền ảo nhưng sương nhiều quá nên chỉ thấy mờ mờ ảo ảo.

Cáp treo lên Thiên Môn Sơn.

Một đoạn cáp treo 2 người đi lên chùa trên đỉnh Thiên Môn tạo cảm giác khá "rợn" đối với những ai sợ độ cao.

Cầu kính ở Thiên Môn Sơn.

Phong cảnh kì vĩ không có gì để bàn cãi.

18g00 cả đoàn ra cáp treo xuống núi.

- Thế là hết một ngày ở chốn tiên cảnh này, xuống núi, đi ăn, và chui về khách sạn để chuẩn bị cho chuyến hành trình ngày mai.
Cảm giác tuyệt vời và chân tê nhừ.

- Tối về khách sạn lấy đồ và thuê 1 chiếc ô tô để di chuyển đến Thiên Tử Sơn, nhận phòng và đi ngủ.

Ngày 4

- 9g sáng mọi người cùng nhau đi ăn sáng rồi đi bộ hết dãy phố trước phía khách sạn tầm 15 phút là đến cổng vào Thiên Tử Sơn. Trước cổng là hình 3D của con rồng trong phim Avatar, chụp hình các kiểu ở đây, dùng lại cái vé đã mua ở Hoàng Thạch Trại hôm trước để vào cổng này.

Nơi quay phim 3D Avatar.

- Vào cổng đi ra chỗ đợi xe bus (xe bus nội khu), bạn nên chú ý tới nơi muốn đến để đứng cho chuẩn vị trí không là lạc đi chỗ khác. Chúng tôi lên xe đi đến chỗ có cáp treo lên Thiên Tử Sơn, xe đi mất chừng 15 phút, đến cáp treo lại phải mua thêm vé. Ngồi cáp khoảng 10 phút lên đến đỉnh, đường lên đỉnh đẹp tuyệt diệu, y như tranh vẽ.

- Từ đây bạn sẽ thấy được toàn bộ sự hùng vĩ của những ngọn núi và không khỏi choáng ngợp trước cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời.

Thiên Tử Sơn - Trương Gia Giới

Đường từ tỉnh Thiên Tử Sơn đi xuống.

- Đầu giờ chiều cùng nhau xuống núi, không sử dụng cáp treo xuống mà đi bộ trong lòng núi, với đường đi được làm khá đẹp và dễ đi, uốn lượn quanh triền núi. Đi bộ tầm hơn 2 tiếng là đến một trạm tàu điện nội núi để đi qua những cánh rừng thơ mộng trong lúc mưa rơi lất phất. Ngồi tàu tầm 20 phút là đến trạm xe bus và lại phải xếp hàng xem sao cho đúng tuyến về khu cổng vào.

- Xe dừng lại cho chúng tôi xuống, đói quá chạy qua hàng tạp hóa bên cạnh làm bát mì nóng hổi. Trong khi đó, xe bus đi từ Thiên Tử Sơn về Phượng Hoàng Cổ Trấn đã hết và phải đến 8h00 sáng hôm sau mới có xe. Quyết định bỏ 2.000 tệ thuê riêng một xe đi 300km đến Phượng Hoàng Cổ Trấn (xe chạy trên đường cao tốc Trung Quốc, nói một chút về cao tốc bên này, thực sự cao tốc bên này tuyệt vời, đường êm, phẳng lì, xe được chạy 120km/h, không còi, không nhà dân bên đường, không uốn lượn theo núi mà làm hầm xuyên thẳng qua, đi nhàn tênh khỏe người).

- 12h00 chúng tôi đến Phượng Hoàng Cổ Trấn, tại cổng kiểm soát phải mua vé vào thăm 148 tệ/người (là vé tham quan 10 điểm nổi tiếng ở Phượng Hoàng). Còn người dân Trung Quốc thì không cần mua, vé này bắt buộc với khách du lịch nước ngoài.

Đông thành cổ trấn Phượng Hoàng

- Về đến đầu ngõ, cô chủ khách sạn niềm nở đón chúng tôi, thấy có bạn nữ mệt cô chủ động 2 tay 2 vali kéo về khách sạn hộ ( thái độ mến khách bên Trung Quốc luôn làm mình ấn tượng, họ rất tốt và nhiệt tình). 

Ngày 5 - 6 

- Đến Phượng Hoàng cổ trấn cái đầu tiên cảm nhận được là lạnh, một cái lạnh buốt da thịt, lạnh ngấm vào trong, rét run cầm cập, mặc bao nhiêu áo vẫn cảm nhận được cái lạnh. Bởi chạy giữa Phượng Hoàng là dòng Đà Giang mang hơi ẩm khiến hơi lạnh chen vào trong.

Phượng Hoàng cổ trấn

- Khách sạn chỗ chúng tôi ở ngay gần chỗ tháp đi bộ chục mét là ra bờ sông tuyệt đẹp, ở đây có kiểu cho thuê quần áo dân tộc, khoác áo lông thú cầm súng săn các kiểu tạo dáng để chụp rồi rửa lấy liền. Cánh thợ này rất đông và mời chào.

Người lái đò trên dòng Đà Giang.

- Đến đầu giờ trưa chuẩn bị đi ăn, trời lạnh tê tái và có tuyết rơi. Lần đầu tiên thấy cảnh tượng này, thực sự quá đẹp cho một ngày ở cổ trấn.

Đà Giang bên thành Phượng Hoàng

- Cả 2 ngày ở Phượng Hoàng này đi thăm thú gần như tất cả các điểm, thực sự không đủ thời gian để đi hết vì quá rộng, đại khái đi được Lầu Miêu Miêu, Bắc Môn cổ thành, Lầu phong Thúy Hồng Kiều, Viện Bảo Tàng Cổ Thành, Các Phủ, du thuyền trên sông Đà Giang và cùng thưởng thức các món ăn ở nhà hàng Phượng Hoàng.

Tường thành con chim

Phụ nữ dân tộc Miêu

Đồ ăn ở Phượng Hoàng đa phần được làm thủ công.

Đêm cổ trấn.

- Đầu giờ chiều ngày cuối cùng trả phòng, thuê xe ô tô chở về ga Cát Thủ mua vé tàu về Nam Ninh, ngủ một đêm trên tàu.

Chi phí 

- Tổng cộng là tầm 8 triệu đồng cho những ai xuất phát từ Hà Nội và 10 triệu đồng cho ai xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,...

- Trong đó: 4 triệu đồng (visa + đặt phòng khách sạn + vé tàu,... ), thêm 1.200 tệ (tầm 4 triệu đồng) cho chi phí tham quan, ăn uống ở các điểm du lịch.

No comments:

Post a Comment