Voi châu Phi đang bị đe dọa do nạn săn bắn trái phép. Ảnh: CITES. |
Voi châu Phi hiện là loài động vật có vú lớn nhất trên đất liền. Chúng có thể phát triển tới chiều cao 3,3 m và nặng 6 tấn. Loài động vật to lớn này từng phân bố rộng rãi trên khắp lục địa, nhưng chỉ trong hơn một thế kỷ, số lượng của chúng đã giảm mạnh từ hàng triệu cá thể vào đầu thế kỷ 20 xuống chỉ còn khoảng 470.000 con ở thời điểm hiện tại.
Hoạt động săn bắn và buôn bán ngà voi trái phép là mối đe dọa lớn nhất đối với quần thể voi châu Phi. Ước tính khoảng 30.000 con bị săn trộm mỗi năm, với giá trị ngà voi buôn bán trái phép tương đương 3 tỷ USD.
Đông Á là thị trường tiêu thụ ngà voi lớn nhất trên thế giới, với giá trị ngà thô lên tới 1.000 USD/kg. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm tới 70% nhu cầu. Đỉnh điểm của nạn buôn bán ngà voi diễn ra vào những năm 1980, với khoảng 100.000 con voi bị giết mỗi năm. Ở một số khu vực, số lượng voi châu Phi giảm tới 80%.
Trước thực trạng này, một lệnh cấm săn bắn voi đã được ban hành vào năm 1989 theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) của Liên Hợp Quốc, giúp phục hồi một phần quần thể voi châu Phi.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Mỹ (American Journal of Science) vào năm 2015, hầu hết nạn săn bắn voi trái phép diễn ra tại hai điểm nóng ở châu Phi, gồm một khu vực được bảo vệ kéo dài từ Cameroon đến Congo và Gabon, và điểm nóng còn lại là khu vực Đông Phi, đặc biệt là ở Tanzania.
Hầu hết ngà voi được vận chuyển ra khỏi châu Phi qua các quốc gia như Kenya, Mozambique, Tanzania và Cameroon. Các lô hàng sau đó tiếp tục được vận chuyển qua Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và khu vực Nam Á trước khi tới thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc và Nhật Bản. Phần lớn ngà voi được chạm khắc thành đồ trang sức, tượng hoặc vật trang trí để buôn bán.
Dù ngày càng nhiều trang thiết bị hiện đại được sử dụng để hỗ trợ theo dõi hoạt động săn bắn voi và buôn bán ngà trái phép, nhưng thực tế cho thấy chúng vẫn chưa được triển khai đầy đủ và hiệu quả. Nguyên nhân là do tình trạng tham nhũng, nhận tiền hối lộ và thiếu vốn, khiến chính phủ các nước gặp khó khăn trong việc kiểm soát tội phạm.
No comments:
Post a Comment