Nhân Ngày Môi trường thế giới 2018 (5/6), 22 Đại sứ quán và tổ chức quốc tế sẽ cùng ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa. Lễ ký sẽ diễn vào ngày 4/6 tại Hà Nội, do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam khởi xướng.
Theo đó, các đối tác quốc tế cam kết không mua hoặc sử dụng chai nước nhựa dùng một lần tại văn phòng; vận động nhân viên giảm chất thảinhựa; khuyến khích đối tác áp dụng giải pháp nhằm hạn chế hoặc không tạo ra chất thải nhựa...
Việt Nam là một trong 5 quốc gia có lượng rác nhựa lớn thải vào đại dương. Nguồn: PA. |
Hiện mỗi năm có 300 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới, một nửa trong số này để tạo ra các sản phẩm sử dụng một lần như: túi mua hàng, chai, cốc và ống hút. Cứ mỗi phút có một triệu túi nylon được sử dụng.
Ước tính mỗi năm có 8 triệu tấn rác thải nhựa được đổ vào đại dương; 55-60% lượng rác thải này đến từ 5 quốc gia. Trong đó, Việt Nam đứng thứ tư.
Theo các nhà khoa học, ô nhiễm chất thải nhựa trong chuỗi thức ăn có thể gây ra tác hại cho con người. Đốt nhựa chứa clo ở nhiệt độ cao có thể tạo ra các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và có tính độc hại cao như dioxin và furan.
Thống kê của Liên Hợp Quốc, nhiều loại nhựa có chứa hóa chất gây ung thư như DEHP (Diethylhexyl phthalate) hoặc BPA (bisphenol-A). Riêng BPA có thể gây rối loạn hormone, khiến con cái sinh ra bị dị tật nặng.
Rác thải nhựa dưới biển có thể nhiều hơn cá vào năm 2050.
Các tổ chức quốc tế cam kết: 1. Không mua hoặc sử dụng chai đựng nước nhựa dùng một lần trong văn phòng, đồng thời nỗ lực tìm giải pháp thay thế sản phẩm nhựa sử dụng trong các cuộc họp và sự kiện. 2. Đánh giá hiện trạng sử dụng nhựa tại các văn phòng cơ quan, xem xét lượng chất thải nhựa phát sinh, qua đó thay đổi cách thức hoạt động của văn phòng để giảm thiểu chất thải nhựa. 3. Vận động nhân viên tham gia giảm thiểu chất thải nhựa, hướng dẫn họ cách từ chối sử dụng, giảm thiểu, tái sử dụng và thu gom nhựa tái chế tại nhà. 4. Khuyến khích tất cả đối tác (các cơ quan Chính phủ, đối tác dự án và tổ chức khác), nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ áp dụng giải pháp nhằm hạn chế hoặc không tạo ra chất thải nhựa ở bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào có thể. Chiến dịch do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam khởi xướng, nhằm nâng cao nhận thức về những tác động tiêu cực của ô nhiễm chất thải nhựa, đồng thời vận động thay đổi hành vi, thể chế và chính sách giúp giảm chất thải nhựa tại Việt Nam. |
No comments:
Post a Comment