Tại hội nghị phát triển khoa học công nghệ trong các sở giáo dục đại học ngày 29/7, PGS. TS Vũ Văn Tích, đại diện nhóm đề tài khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học 2011-2016 cho biết ngành giáo dục đang sở hữu lực lượng dồi dào nhà khoa học trình độ cao với gần 78.000, chiếm hơn 50% tổng nhân lực toàn quốc.
Trong số này, nhân lực chất lượng cao (giáo sư, phó giáo sư tiến sĩ) trên 16.000 người, cao hơn các viện nghiên cứu. Dù có nhiều nghiên cứu ứng dụng đóng góp cho giáo dục và phát triển kinh tế xã hội, nhưng chưa nhiều nhà khoa học của hệ thống đại học Việt Nam đạt giải thưởng cao ở quốc tế và chưa có nhóm nghiên cứu mạnh tham gia chương trình nghiên cứu lớn của quốc tế.
Theo khảo sát của ông và đồng nghiệp ở 142 trên tổng 271 trường đại học hiện đã hình thành 945 nhóm nghiên cứu, mỗi trường có trung bình 7 nhóm. Nhưng số lượng nhóm lại không đồng đều, một số nhóm luôn đi đầu như các đại học Bách khoa Hà Nội, Khoa học tự nhiên Hà Nội, Nông lâm Thái Nguyên.
Các công bố quốc tế - yếu tố quan trọng giúp nâng cao vị thế trường đại học và tiềm lực khoa học công nghệ mỗi quốc gia dù tăng cả về số và chất lượng, chiếm trên 50% công bố quốc tế cả nước, song có sự phân hóa giữa các trường.
Cụ thể, khối kỹ thuật công nghệ bên cạnh các sản phẩm thương mại cao và bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ lớn còn có tỷ lệ công bố quốc tế cao nhất. Khảo sát 16 trường thuộc khối này chỉ trong một năm như Bách khoa Hà Nội, Khoa học tự nhiên Hà Nội, Bách khoa TP HCM, Bách khoa Đà Nẵng có tới 1.730 bài trên tổng 5.730 của cả nước, chiếm hơn 30% công bố ngành giáo dục.
Các công bố của các trường đại học có quy mô lớn theo nhóm Web of Science giai đoạn 2011- 2015. |
Trong khi đó, khối nông lâm ngư đăng 7.020 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, trong đó 3.340 bài trên các kỷ yếu hội thảo quốc gia và quốc tế.
Tổng số bài báo quốc tế có chỉ số ISI được xuất bản trong cả giai đoạn 2011-2015 từ các trường sư phạm còn ít so với nguồn nhân lực hiện có, với 804 bài. Với đại học khoa học xã hội số lượng bài quốc tế còn hiếm, chủ yếu của Đại học Khoa học xã hội nhân văn TP HCM, Đại học Kinh tế TP HCM.
Theo người đứng đầu các trường, những hạn chế trong nghiên cứu của ngành giáo dục chủ yếu xuất phát từ kinh phí đầu cho còn ít dù sản lượng nhiều hơn các viện nghiên cứu. Trong giai đoạn 2011-2015, kinh phí cho hoạt động khoa học công nghệ trong cả nước bình quân khoảng 1,7% ngân sách Nhà nước, tương đương 0,4% GDP, thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan là 0,48%; Malaysia 1,26% và Singapore là 2,2% GDP.
Ngân sách đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ của ngành giáo dục thấp và đang có xu hướng giảm. Xét về tổng mức đầu tư, giáo dục được đầu tư thấp hơn một số bộ, ngành như Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương.
Đại diện các trường đại học cho rằng, nếu không thay đổi đầu tư cho khoa học thì khó có thể làm nghiên cứu. Việc phân bổ kinh phí cho hoạt động này ở các trường đại học còn bất cập khi phần lớn dựa vào số cấp ban đầu mà chưa theo nguyên tắc gắn sản phẩm đầu ra, chưa phân bổ theo số lượng cán bộ nghiên cứu.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những nỗ lực của cơ sở giáo dục, nhà khoa học trong việc nghiên cứu triển khai ứng dụng và làm chủ công nghệ mới. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra hạn chế như các trường chỉ tập trung giảng dạy mà chưa coi trọng nghiên cứu, các đề tài chưa có sức ảnh hưởng sâu rộng, còn nhỏ lẻ, tản mạn.
Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu hiệu trưởng các trường phải coi trọng đẩy mạnh nhận thức, đặc biệt giảng viên cần thực hiện nghiêm trách nhiệm nghiên cứu khoa học. Mỗi trường cần chiến lược riêng, như trường tư thục thường theo hướng ứng dụng, nghiên cứu chuyển giao.
No comments:
Post a Comment