Nhiều chương trình trí tuệ nhân tạo cho thấy khả năng tạo ra ngôn ngữ riêng. Ảnh minh họa: New York Times. |
Các kỹ sư tại Facebook hồi đầu tháng 7 đã phải ngắt kết nối hai robot trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) tên là Bob và Alice sau khi chúng tự tạo ra một ngôn ngữ riêng để giao tiếp với nhau mà các nhà khoa học không thể giải mã nổi, theo Digital Journal.
Bob và Alice được các nhà nghiên cứu ở Facebook lập trình để sử dụng tiếng Anh nhằm hỗ trợ người dùng. Tuy nhiên, một thời gian sau, họ nhận ra rằng chúng bắt đầu trò chuyện với nhau bằng một ngôn ngữ bí ẩn, không hề giống tiếng Anh.
"Tôi có thể tôi tôi mọi thứ khác", Bob nói. "Những quả bóng có không với tôi với tôi với tôi với tôi với tôi với tôi với tôi với tôi", Alice đáp lại. Phần còn lại của cuộc hội thoại là biến thể của mẫu câu giao tiếp này, nhưng các chuyên gia không tài nào biết được chính xác chúng đang trao đổi gì với nhau.
Các cụm từ có vẻ không có nghĩa với con người song là cách giao tiếp hữu hiệu giữa hai robot. Theo phỏng đoán các nhà nghiên cứu tại Facebook, nội dung của cuộc nói chuyện là lời đề nghị của Bob với Alice: "Tôi sẽ lấy ba, bạn lấy số còn lại".
Sự cố này đã làm dấy lên mối lo ngại rằng các robot trang bị trí thông minh nhân tạo có thể đang tự phát triển theo con đường riêng và đến một lúc nào đó sẽ vượt tầm kiểm soát của con người. Nhiều người bày tỏ nỗi sợ hãi trên mạng xã hội rằng robot một ngày nào đó sẽ tự biết tư duy, giao tiếp với nhau và liên kết để lật đổ con người.
Mối lo ngại này cũng từng được tỷ phú Mỹ Elon Musk nêu ra. "Theo tôi, trí tuệ nhân tạo là một trường hợp ít gặp trong đó chúng ta cần chủ động quản lý thay vì ứng phó", Musk phát biểu tại một cuộc gặp của Hiệp hội Thống đốc Quốc gia Mỹ. "Vì đến lúc chúng ta ứng phó trong quản lý trí tuệ nhân tạo, mọi chuyện đã quá muộn".
Sophia, một robot sử dụng trí tuệ nhân tạo, gây ấn tượng vì mức độ thông minh. Video: CNBC, Reuters.
Câu chuyện của Bob và Alice không phải ví dụ đầu tiên về trí tuệ nhân tạo có hành vi sử dụng ngôn ngữ riêng thay vì dùng tiếng Anh như được lập trình. Robot trong phòng thí nghiệm OpenAI của Musk đã tự sáng tạo ngôn ngữ riêng, trong khi trí tuệ nhân tạo mà Google sử dụng cho chương trình dịch tự động cũng dùng những ngôn ngữ của riêng chúng trong quá trình dịch.
Theo các chuyên gia, tiếng Anh là ngôn ngữ khá hữu ích với con người nhưng không nhất thiết là ngôn ngữ hữu ích với robot, vốn có chiều hướng tối giản hóa giao tiếp. Trí tuệ nhân tạo không được yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ bằng tiếng Anh và không được khen thưởng nếu sử dụng tiếng Anh. Ngôn ngữ mới của chúng ra đời trong bối cảnh đó.
"Việc này không quá khác biệt so với cách con người tạo ra tốc ký", Dhruv Batra, nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Công nghệ Georgia, Mỹ nói. "Hoàn toàn có khả năng một dấu hiệu đặc biệt mang một ý nghĩa rất phức tạp. Con người chia nhỏ các ý tưởng thành các khái niệm đơn giản hơn vì khả năng nhận thức của chúng ta có giới hạn".
Theo cây bút Mike Wilson của Fast Company, việc máy tính sử dụng ngôn ngữ mới để giao tiếp có lợi ích riêng. Một mặt, chúng có thể giải quyết vấn đề tốt hơn vì dữ liệu được cung cấp dưới dạng có nghĩa với máy tính. Mặt khác, con người không cần xây dựng phần mềm để hai chương trình có thể làm việc cùng nhau.
Mike Lewis, nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tạo Facebook, cho biết Bob và Alice bị dừng hoạt động vì không đáp ứng mục tiêu tạo ra robot giao tiếp với con người. Lewis phủ nhận quan ngại máy tính bí mật lên kế hoạch lật đổ con người, chiếm lĩnh thế giới.
Chưa có đủ bằng chứng để tuyên bố sự thông minh không được lập trình của trí tuệ nhân tạo là mối đe dọa của con người. Nhưng hành vi này của máy tính cho thấy trong tương lai việc phát triển trí tuệ nhân tạo sẽ khó khăn hơn, bởi ngay trước mắt, con người không hiểu được ngôn ngữ riêng của robot dù chúng ta đã tạo ra chúng.
Vũ Phong
No comments:
Post a Comment