Gương sen có nhiều lỗ nhỏ dễ gây ám ảnh cho người mắc hội chứng trypophobia. Ảnh: Metro. |
Các nhà khoa học tại Đại học Kent và Đại học Essex, Anh, trong báo cáo đăng trên tạp chí Cognition and Emotion hôm 6/7 nêu giả thuyết cho rằng hội chứng trypophobia hình thành trong quá trình tiến hóa, phản ánh sự sợ hãi của con người đối với các bệnh truyền nhiễm, theo International Business Times.
Người mắc hội chứng trypophobia có cảm giác ghê sợ và bị ám ảnh khi nhìn thấy hình ảnh nhiều lỗ tròn nằm gần nhau, chẳng hạn như tổ ong, gương sen, lỗ trên thân cây, miếng bọt biển hoặc bọt trên cốc cà phê. Nhịp tim của họ tăng lên và phần não xử lý thị giác cũng hoạt động tăng đột biến.
Hội chứng trypophobia được mô tả lần đầu tiên vào năm 2005. Khoảng 15% số người trên thế giới, bao gồm 18% nữ và 11% nam, mắc dạng bệnh tâm lý chưa được công nhận trypophobia. "Tôi thực sự không thể đối mặt với các lỗ nhỏ đối xứng hay không đối xứng. Chúng khiến tôi buồn nôn, khóc lóc và run rẩy", một bệnh nhân chia sẻ.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Khoa học tâm lý năm 2013, trypophobia có thể là kết quả tiến hóa của bộ não thời xa xưa, nhằm cảnh báo chúng ta đang nhìn vào loài động vật có độc. Một số loài có độc đôi khi mang hình dạng tương tự các lỗ, khiến người mắc hội chứng trypophobia cảm thấy ghê sợ khi nhìn thấy chúng.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học Anh tuyển chọn 300 tình nguyện viên mắc hội chứng trypophobia từ các nhóm khảo sát trực tuyến và 300 sinh viên đối chứng không bị ám ảnh khi nhìn thấy nhiều lỗ tròn nằm cạnh nhau. Tất cả họ được cho quan sát 16 bức ảnh. Một nửa trong số các bức ảnh là cụm lỗ liên quan đến phần cơ thể bị bệnh. Nửa còn lại đại diện cho các cụm lỗ không liên quan đến bệnh tật như gương sen.
Kết quả cho thấy, tình nguyện viên ở cả hai nhóm đều ghê tởm với hình ảnh lỗ tròn liên quan đến bệnh tật, chỉ những người mắc hội chứng trypophobia cảm thấy khó chịu khi nhìn vào hình ảnh không liên quan đến bệnh tật. Họ xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn hoặc sởn gai ốc. Điều này chỉ ra rằng, hội chứng trypophobia có lẽ không phải là phản ứng sợ hãi đối với động vật nguy hiểm.
Theo nhóm nghiên cứu, hình ảnh các lỗ nằm cạnh nhau khiến người ta liên tưởng đến một số triệu chứng bệnh như đậu mùa, sởi, sốt phát ban. Do đó, hội chứng hội chứng trypophobia có liên quan đến nỗi sợ về mầm bệnh và các tác nhân lây nhiễm.
Lê Hùng
No comments:
Post a Comment