Trong phiên họp đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn năm 2018 vừa được Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) tổ chức, vấn đề công bố quốc tế lại được xới lên.
Lý do là nhiều lĩnh vực không có hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận tài trợ do không có bài báo công bố quốc tế. Trong khi theo quy định, một trong các tiêu chí để xét duyệt là hồ sơ có kết quả nghiên cứu chuyên môn phù hợp được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín (với khoa học tự nhiên và kỹ thuật), trên tạp chí quốc tế uy tín hoặc sách chuyên khảo (với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn) trong 5 năm gần nhất.
Chất lượng các nghiên cứu luôn là tiêu chí quan trọng để có thể công bố quốc tế. Ảnh: Loan Lê. |
Giáo sư Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, nhà khoa học trong lĩnh vực này thường công bố trên tạp chí và sách. Hiện số lượng tạp chí hạn chế, yêu cầu khác nhau. Vì thế ở nhiều nước, các nhà khoa học thường tập hợp bản thảo để xuất bản thành sách sau hội thảo, tọa đàm. Nhưng ở Việt Nam, số lượng xuất bản sau nghiệm thu rất kém.
“Năm 2017, khoảng 25-30% số lượng công trình đã nghiên cứu không xuất bản vì không có tiền, nghiên cứu xong để đó", giáo sư Minh nói và đề nghị Quỹ Nafosted có quy định về việc đăng ký xuất bản sau khi nghiệm thu đề tài.
Ông Minh cũng lo lắng có hội đồng chỉ 1-2 hồ sơ đầu vào thì khó nói chuyện lựa chọn. “Nếu có nhiều hồ sơ, sự từ chối nhiều hơn, sẽ có nhiều lựa chọn tốt. Các cơ sở đào tạo ngành xã hội nhân văn nếu không đồng hành sẽ rất khó cải thiện tình trạng này”, giáo sư Minh thẳng thắn.
Phó giáo sư Mai Quỳnh Nam, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng kỳ vọng có công bố quốc tế, trở thành tác giả quốc tế quá xa vời với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Lý do "ta muốn làm tác giả quốc tế, nhưng lại không muốn làm công chúng của các công trình quốc tế đã công bố". Chính điều này cản trở việc công bố.
Theo ông Nam, muốn in bài ở tạp chí quốc tế trước tiên phải là người đọc tạp chí đó kỹ lưỡng, biết so sánh vấn đề trong ấn phẩm đó với vấn đề tương tự của tạp chí khác, từ đó chọn xem vấn đề của mình có phù hợp để công bố hay không. Với đòi hỏi khả năng ngoại ngữ, viết sao cho “lọt tai” học giả nước ngoài, đúng thông lệ quốc tế, nhà khoa học Việt Nam ít người làm được.
Phó giáo sư Mai Quỳnh Nam phát biểu tại phiên họp xét duyệt đề tài của Hội đồng Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ảnh: Bích Ngọc |
Lý giải cho việc ít công bố quốc tế, một số người cho rằng khoa học xã hội và nhân văn có đặc thù. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học phản bác rằng đặc thù chỉ có thể ở một số ngành như pháp luật, khảo cổ…, còn với xã hội học, kinh tế, tâm lý thì không thể, hoặc nếu quá đặc thù thì chẳng có ý nghĩa gì cho khoa học thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách công và Quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân, người từng công bố hơn 60 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín của quốc tế khẳng định, hiện số lượng công bố của ngành ít là do chất lượng nghiên cứu chưa đạt.
Tiến sĩ Cường phân tích, trong khoa học xã hội và nhân văn, nếu các nhà khoa học vẫn đi theo lối mòn, từ phương pháp nghiên cứu đến cách trình bày không giống với một bài báo quốc tế, vấn đề nghiên cứu chỉ mang tính chất mô tả kiểu như người đồng bào dân tộc sinh sống ra sao, đặc điểm thế nào… thì không phải là đóng góp hữu ích cho khoa học. Để xuất bản trên tạp chí quốc tế, nghiên cứu đó phải đưa ra một phương pháp mới, có phát hiện mới… Đây cũng chính là hạn chế khiến các nghiên cứu trong nước hiện khó xuất bản ở tạp chí quốc tế.
“Về lâu dài chắc chắc việc công bố quốc tế của ngành khoa học xã hội và nhân văn phải được đẩy mạnh hơn. Chừng nào các tạp chí khoa học trong nước chưa rõ ràng tiêu chí, chất lượng xét duyệt còn dễ dãi thì việc công bố quốc tế vẫn là điều kiện tiên quyết để khẳng định chất lượng nghiên cứu”, tiến sĩ Cường nói.
No comments:
Post a Comment