Những ngày qua, dư luận đang xôn xao về vụ việc cô giáo của một trung tâm tiếng Anh lớn tiếng mắng học sinh là "đồ con lợn" khi không đóng phạt 100 nghìn đồng. Những lời lẽ có phần thô tục và không đúng chuẩn mực của một giáo viên khiến nhiều người cảm thấy phẫn nộ.
Hình ảnh được cắt ra từ clip cô giáo mắng học sinh té tát vì không đóng 100 nghìn tiền phạt.
Theo như những người đã học tập tại trung tâm của cô giáo này thì tất cả những học sinh theo học đều phải đóng một khoản tiền 300 nghìn đồng được gọi là "chăm chỉ phí". Điều này khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu về loại phí "trên trời rơi xuống này". Hiện tại trung tâm tiếng Anh và cô giáo này đã bị xử lý, tuy nhiên vấn đề xử phạt học sinh bằng tiền liệu có phải là một biện pháp đúng đắn và có hiệu quả trong việc giảng dạy hay không?.
Chắc chắn ai cũng từng trải qua thời học sinh và "nếm" trải đủ những hình thức xử phạt khi ngồi trên ghế nhà trường. Từ việc bị bắt chép phạt, đến trực lớp... những hình phạt này là cách xử lý thường thấy mà nhiều thầy cô áp dụng đối với những ai vi phạm.
Nhưng hiện tại, việc sử dụng tiền để bù đắp vào những thiếu sót của học sinh lại trở nên phổ biến hơn. Chắc chắn không chỉ có cô giáo tại trung tâm tiếng Anh kia phạt tiền học sinh mà còn rất nhiều ngôi trường khác cũng đang áp dụng "luật mới" này.
Việc quy định bao nhiêu tiền cho một lỗi có thể là "con dao hai lưỡi" phản tác dụng dẫn đến những hậu quả không ai ngờ. Đối với nhiều học sinh, việc bỏ ra một khoản tiền để đóng phạt thế là xong, rồi đến những lần khác có vi phạm thì lại đóng tiền, liệu cách phạt này có hiệu lực hay không?.
Môi trường giáo dục là nơi để rèn luyện cho học sinh nhiều đức tính khác nhau, ngoài việc đào tạo kiến thức văn hóa, thì những chuẩn mực trong đối nhân xử thế và cuộc sống cũng là điều rất quan trọng. Cách giảng dạy của thầy cô như thế nào đều có tác động rất lớn đến từng học sinh. Cô giáo trong vụ việc bắt học sinh đóng tiền phạt kia đã sai hoàn toàn vì không giữ được bình tĩnh và dùng ngôn ngữ không đúng chuẩn mực để chửi bới học sinh chỉ vì 100 nghìn đồng đóng phạt.
Việc xử phạt bằng tiền có vẻ như đi theo hướng thị trường, học sinh sẽ cậy vào đồng tiền để cho mình cái quyền tuân thủ hay không. Sẽ có những học sinh chấp hành theo quy định này nhưng cũng sẽ có những học sinh "không thèm" quan tâm đến quy định đóng tiền phạt nếu nó vô lý.
Vì vậy trước khi nghĩ đến việc phạt học sinh, đặc biệt là việc phạt tiền thì những hình phạt đó phải được thầy cô đưa ra thật chính xác, để vừa mang tính kỉ luật nhưng cũng là một hình thức để khuyến khích học sinh vươn lên, thay đổi để không vi phạm nữa. Phải làm sao để cho khi học sinh đóng tiền, đó không phải là một khoản phí như cô giáo trở trung tâm tiếng Anh đã gọi mà đó là sự trừng phạt cho những ai vi phạm kỉ luật chung.
No comments:
Post a Comment