Saturday, July 29, 2017

Không bằng đại học, kiên trì làm thợ may, 7x Hà Nam kiếm hàng chục tỷ đồng/năm

Cái tên Nhà may Cao Thăng có lẽ không mấy xa lạ với những quý ông chuộng những thiết kế sang trọng, lịch lãm ở Hà Thành

Cái tên Nhà may Cao Thăng có lẽ không mấy xa lạ với những quý ông chuộng những thiết kế sang trọng, lịch lãm ở Hà Thành… Hai mươi năm làm nghề may, với kinh nghiệm của bậc thầy nhà mốt Hà Thành vẫn khiêm tốn, muốn được mọi người gọi là: Nhà may. Hẹn gặp anh Thăng trong một ngày hè oi ả của Hà Nội, “anh thợ may” tài hoa, giản dị và kiệm lời đã có những chia sẻ hết sức thú vị với phóng viên Thế Giới Trẻ:

Đến với nghề là một cơ duyên

Nhà mốt Cao Thăng

Sinh ra và lớn lên ở Duy Tiên, Hà Nam, cũng như nhiều đứa trẻ trong làng thời ấy, anh Thăng không theo học đại học. Ngay khi hết lớp 12, anh vào Sài Gòn cùng gia đình.

18 tuổi, trong 1 lần tới nhà cô ruột làm hiệu may chơi, anh cũng tò mò ngồi vẽ rồi cắt thử, thấy anh có khiếu, cô bảo anh: “Thăng ơi hay con học nghề may đi.”

Anh chàng 18 tuổi năm ấy chưa có định hướng nghề nghiệp, cũng chưa có ý tưởng gì, lại thấy nghề may cũng được, anh gật đầu đại với cô. Nhưng anh chưa bao giờ nghĩ cái gật đầu đó, lại bắt nguồn cho sự nghiệp hơn nửa đời của anh, rồi anh làm, anh sống bằng chính lần “gật đầu đại” khi đó.

Lại nói về việc sau khi nhận lời cô, anh tới nhà may Cao Minh của cô để học. Trong hè năm ấy, cô có mở lớp dạy may thủ công cho con cháu trong nhà. Tham gia lớp học có 4 người anh chị em khác trong gia đình cùng theo học, nhưng sau 1 năm, chỉ còn mình Thăng trụ lại. “Mọi người cứ nghĩ nghề may đơn giản, nhẹ nhàng, nắng chẳng tới mặt, mưa chẳng tới đầu, nhưng phải làm rồi mới thật làm may cực lắm!” – Anh Thăng cho biết.

Việc nhận lời cô đi học nghề may, cũng hoàn toàn tình cờ thế mà chẳng ai nghĩ anh lại là người kiên trì theo đuổi nhất. Lúc đó anh tính tình cẩu thả, khi nghe tin, cụ thân sinh anh còn giật mình, bà bảo: “Mày ẩu như vậy học may sao được”. Nhưng lỡ nhận rồi, anh vẫn quyết bám trụ tới cùng.  Khi bắt đầu nghiêm túc với nghề may thủ công, anh mới thấy nó thật sự gian khổ. Cầm kim chỉ, đạp máy may thủ công, chạy thử trên giấy,.. mọi thứ thật không hề đơn giản. Ai không có sự kiên trì và đam mê thì khó lòng theo được.

Nghề may tưởng đơn giản nhưng ai không có sự kiên trì và đam mê thì khó lòng theo được.

Chính anh cũng 5- 7 lần tính bỏ vì nó cực lắm nhưng khi tìm được một cái gì mình thích thì lại tiếp tục theo. Đó là lần đầu tự may được chiếc áo cho mình, cảm giác nhìn mảnh vải thô biến thành chiếc áo hoàn chỉnh thì cảm thấy thích lắm. Anh lấy đó làm động lực tiếp sức cho mình. Cứ tự dỗ mình như vậy, tự động viên như thế, anh đã vượt qua quãng thời gian học việc và gắn bó với nghề đã 2 chục năm.

Theo nghề là đam mê và nỗ lực không ngừng

Học được nghề may, đó là một cơ duyên nghề chọn người. Nhưng để tiếp tục theo được nghề này, cần phải có sự đam mê của người thợ may. Trong lúc học, anh dành trọn thời gian và tâm trí cho việc học nghề. Ở cùng ông bà nhưng có tới 2 tuần mới được ngồi ăn bữa cơm cùng ông bà. Còn lại, anh ăn mì tôm qua bữa dành thời gian học nghề.

 

Với mỗi sản phẩm thực hiện, anh tâm niệm: Đã không làm thì thôi chứ làm là phải làm được. Làm được rồi mới tới làm đẹp, làm đẹp rồi mới lo làm nhanh. Luôn chú trọng vào chất lượng sản phẩm, tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ, từng công đoạn vẽ, cắt may, là lượt… tới mức mà mẹ anh, người năm xưa chê anh ẩu còn phải thốt lên: Mày kỹ quá Thăng!

Với sự kiên trì và nỗ lực, sau 6 năm vừa học vừa thực hành anh đã được cô chú tin tưởng giao cho quản lí nhà may lúc đó anh mới tròn 24 tuổi. Sau 4 năm quản lý và trực tiếp phục vụ khách hàng, anh đã trau dồi thêm được rất nhiều kinh nghiệm và được nhiều khách hàng yêu quý. Một số khách hàng gợi ý: “ Em giỏi như vậy, sao không mở một nhà may riêng của em?”. Đến năm 28 tuổi, anh đã mạnh dạn đứng ra làm riêng, tự tạo lập cơ sở may của riêng mình.

38 tuổi, 20 năm trong nghề, không một tấm bằng cấp, chỉ miệt mài tự học và theo đuổi đam mê nhưng anh thợ may Cao Thăng đang sở hữu cửa hàng may vest nam với doanh thu lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Buổi đầu đứng ra tự chủ cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn nhưng nhờ những kinh nghiệm quản lý cùng những kĩ thuật may đã học được đã giúp anh vượt qua quãng thời gian đó.

“Anh không nghĩ mình thành công. Thời gian ban đầu chỉ cố gắng trụ được để không bị đóng cửa thôi. Nhưng nhờ có nhiều khách hàng cũ tin tưởng, sau khi anh nghỉ ở nhà may của cô chú, biết anh làm riêng thì họ thường xuyên tìm tới và tiếp tục đặt hàng của chính anh làm.” Anh Thăng chia sẻ về sự may mắn buổi đầu lập nghiệp.

Nghề may là nghề “làm dâu trăm họ”, rất khó để vừa lòng được tất cả khách hàng

Do đó, năm đầu tiên anh còn lo lắng bị lỗ thì anh đã có lãi. Tới năm thứ 2 là đã ổn định dần và đã có 1 lượng khách ổn định lên tới gần 2000 khách hàng. Sau khi cửa hàng hoạt động ổn định, anh có tổ chức dạy nghề cho các bạn trẻ yêu thích và có ý định gắn bó với nghề may. Hiện nay, đã có nhiều “đệ tử” của anh đã tự ra riêng, bước đầu đã có những thành công nhất định. Còn bản thân anh, với số khách khoảng 2000- 4000 khách thì doanh thu của cửa hàng mỗi năm dao động khoảng 18- 22 tỷ đồng.

Chia sẻ thêm về nghề, anh Thăng cho biết: “Nghề may là nghề “làm dâu trăm họ”, để vừa lòng được khách hàng không hề dễ. Nhưng bằng cái tâm với khách và với sản phẩm của chính mình thì mới chiều được khác hàng.”

Nhiều khi sản phẩm anh đánh giá rất cao thiết kế nhưng họ lại không hài lòng. Khi đó, cách xử lí của anh là không nhận tiền mà để khách đem về sử dụng cho tới khi cảm thấy hài lòng về sản phẩm nếu không sẽ đem qua sửa cho tới khi nào hài lòng mới thôi.

“Hầu hết họ cảm thấy không hài lòng do nhìn những mẫu may cổ điển đã quen, nay được cách tân đi chút thấy lạ lẫm và chưa hợp mắt. Chỉ sau vài ngày hay vài tuần sử dụng quen hơn thì họ lại thấy yêu thích sản phẩm bên anh. Đối với anh, tiền bạc tuy quan trọng nhưng thương hiệu mình cố công xây dựng bao năm mới là vô giá.”

 

Hiện nay, với hàng vest may tay thủ công, nhà may Cao Thăng là môt trong những địa chỉ uy tín được nhiều nghệ sĩ, chính khách, doanh nhân tìm tới đặt may. Không đại học, không bằng cấp, chỉ với đam mê và chút cơ duyên anh chàng học trò ngỗ nghịch và cẩu thả Cao Thăng ngày nào đã tạo dựng được sự nghiệp từ nghề may thủ công đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn thận và kiếm tiền tỷ mỗi năm.

Bạn đọc có những câu chuyện, hình ảnh ý nghĩa phù hợp với chuyên mục Sống Trẻ, Guu của thegioitre.vn muốn chia sẻ tới cộng đồng, có thể gửi về hòm thư: dongvu@infonet.vn hoặc điện thoại 097.4569.097.

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment