Phelps không thể chiến thắng con cá mập trắng dù trang bị đồ bơi hiện đại. Ảnh minh họa: Distractify.com. |
Michael Phelps, vận động viên bơi lội người Mỹ lập 39 kỷ lục thế giới và nắm giữ 23 huy chương vàng Olympic, thất bại khi so tài với cá mập trắng trong chương trình "Phelps vs. Shark: Great Gold vs. Great White" phát trên kênh Discovery hôm qua, theo Bleacher Report. Các chuyên gia đánh giá nguyên nhân Phelps thua cuộc là do mất nhiệt khi bơi dưới nước lạnh và chênh lệch về tốc độ bơi so với cá mập.
Phelps bơi 100 m trong 38,1 giây, trong khi con cá mập trắng hoàn thành quãng đường đua trong 36,1 giây, nhanh hơn Phelps hai giây. Khi bắt đầu cuộc đua, Phelps đạt tốc độ 14,1 km/h, nhanh hơn con cá mập, nhưng sau đó cá mập trắng vượt lên dẫn trước 25 mét và Phelps không thể vượt qua khoảng cách này.
Michael Phelps chạm trán cá mập trắng khi lặn trong lồng. Video: Mirror.
"Trước khi lặn xuống, tôi đã biết nước sẽ rất lạnh, và tôi biết đối với một vận động viên bơi lội như tôi, bơi dưới lạnh như thế này sẽ khiến toàn bộ cơ thể bị sốc. Tôi chỉ mặc một bộ đồ bơi mỏng nên cảm giác thực sự lạnh cóng", Phelps chia sẻ. "Đối với tôi, thử thách lớn nhất là cố gắng giữ nhiệt, đó là điều vô cùng khó khăn, bởi nhiệt độ nước chỉ ở mức 13 độ C. Đó là môi trường một con cá mập có thể sinh tồn, trong khi con người thực sự không thể sống dưới làn nước như vậy".
Andrew Nosal, nhà sinh vật học hải dương và chuyên gia nghiên cứu cá mập ở Viện Hải dương học Scripps ở San Diego, California, Mỹ, đã đoán trước được kết quả cuộc đua. Theo Nosal, không giống phần lớn các loài cá mập khác, cá mập trắng (Carcharodon carcharias) là động vật máu nóng, do đó chúng có thể sinh sống và bơi nhanh trong nước lạnh. "Nhiệt độ ở trung tâm cơ thể chúng ấm hơn môi trường nước xung quanh, cho phép các cơ bơi lội co rút mạnh hơn trong thời gian lâu hơn", Nosal nói.
Cá mập trắng duy trì khả năng thu nhiệt nhờ các mạch máu sắp xếp đặc biệt gọi là "trao đổi nhiệt đối lưu", ngăn nhiệt lượng sản sinh từ sự co rút cơ bắp tỏa vào nước xung quanh.
Cá mập trắng sử dụng tốc độ cực nhanh để rình bắt hải tượng và các động vật biển nhanh nhẹn khác, theo Christopher Lowe, giáo sư sinh vật học hải dương ở Đại học California, Long Beach. Cá mập trắng có thể bơi với tốc độ lên tới 40 km/h.
Trái lại, tốc độ của Phelps chỉ được xem là nhanh khi so với người bình thường. "Trong một cuộc đua, tôi nghĩ tốc độ nhanh nhất của tôi là khoảng 8-10 km/h. Trang bị đuôi cá monofin, tôi có thể đạt tới tốc độ 13-19 km/h", Phelps cho biết.
Đuôi cá monofin là thiết bị có hình dáng giống đuôi cá mập, có thể giúp Phelps cải thiện tốc độ bơi. Anh cũng mặc bộ đồ bơi Phantom làm tăng sức nổi và giảm sức cản, theo nhà sản xuất Aqua Sphere. Phelps không trực tiếp bơi sóng đôi với con cá mập trắng thực sự trong cuộc đua 100 m ở vùng biển Nam Phi mà đua cùng cá mập CGI (công nghệ mô phỏng lại hình ảnh bằng máy tính).
Phương Hoa
No comments:
Post a Comment