Saturday, December 2, 2017

Vợ chồng Sài Gòn tay bế con tay điều khiển doanh nghiệp

Vợ chồng chị Trang (28 tuổi, quận Tân Bình, TP HCM) cưới nhau từ năm 2012, có hai con, bé lớn tên Win 4 tuổi, bé nhỏ 16 tháng tên Ry. Họ có một công ty riêng, hoạt động hơn 5 năm nay. Dù các con đã đến tuổi đi học, công việc rất bận nhưng anh chị thà bận một chút chứ không tự tin trao con cho người khác, ngày cả ông bà nội ngoại quá lắm cũng chỉ một ngày.

Chọn cách chăm con như vậy nên hàng ngày, chị Trang cùng chồng thay nhau vừa quán xuyến, lo việc ở công ty vừa trông hai con nhỏ. Lúc anh bận tiếp khách, gặp gỡ đối tác là chị ở nhà trông con, làm việc trên máy tính và ngược lại. Những lúc đi công tác, cả gia đình lại kéo đoàn, tay xách nách mang cùng đi.

vo-chong-sai-gon-tay-be-con-tay-dieu-khien-doanh-nghiep

Mỗi khi đi công tác, vợ chồng chị Trang đều mang các con theo - Ảnh: NVCC

Nhìn vợ chồng họ lích kích hành lý, mỗi người ôm một con ai cũng ái ngại. Có người đặt câu hỏi: “Sao gia đình có điều kiện, không thuê người giúp việc hoặc gửi con ở trường”. Chị Trang chỉ biết mỉm cười: “Kiếm tiền là việc cả đời và để lo cho con cái có cuộc sống tốt hơn. Tôi thấy, vợ chồng có nhiêu đó là đủ rồi nên vừa làm vừa tận hưởng cuộc sống”.

Chị kể, sau ngày cưới, hai vợ chồng gom vốn mở công ty riêng. Đó cũng là thời điểm họ vui mừng đón con trai đầu lòng. Cả hai đặt mục tiêu, 5 năm đầu phải đặt việc gia đình, chăm sóc con cái quan trọng hơn. Khi các con đã đủ tuổi đi học, tự nhận biết mọi việc xung quanh thì công việc và gia đình phải đồng hành cùng nhau, tránh việc cha mẹ mải việc mà bỏ bê con, để bé tự ti, thiếu tình thương. 

Con lớn tròn hai tuổi, chị mang thai đứa thứ hai. Sợ vợ cực, anh Danh (31 tuổi) bàn nên cho con đi học ở trường. Bé Win được học ở một trường quốc tế, nhưng chỉ hai tháng là khóc thét lên, đòi ở nhà, dù đã làm mọi cách. Cuối cùng, họ tôn trọng quyết định của con.

-1

4 tuổi, bé Win đã biết tự trang trí những hình ảnh mình thích - Ảnh: NVCC

Anh chị cũng thường xuyên đưa đi chọn trường để bé bắt nhịp với môi trường ở lớp, làm quen với thầy cô, các bạn. Bé nhất định không chịu. 

“Trẻ em 0-3 tuổi đang phát triển EQ (chỉ số cảm xúc), nếu không được yêu thương, bao bọc, suốt ngày sống trong môi trường sợ hãi sẽ vô cùng thiệt thòi”, chị Trang nói về quyết định cho con ở nhà hẳn thay vì đi lớp.

Để dạy con tốt nhất, vợ chồng chị lên mạng tham khảo thông tin, hỏi ý kiến chuyên gia, đọc các cuốn sách về cách nuôi dạy con của tác giả nước ngoài và trong nước rồi rút ra cách riêng cho mình. Họ cho con làm việc cùng, đi công tác cùng và được trải nghiệm tất cả những gì chúng thích, nhưng trong giới hạn cho phép. Ví dụ, chị dạy con nhận biết chữ cái tiếng Việt/tiếng Anh, chữ số thông qua các bài hát trên mạng, tuy nhiên, mỗi ngày chỉ được 3-4 lần, mỗi lần 45 phút. Thông qua đó, các bé sẽ cảm được nhạc, hát được các bài trong độ tuổi của mình và học kiến thức.

Anh chị cũng cho con sử dụng ipad, điện thoại, nhưng chỉ được xem những chương trình mẹ cho phép. Hay mỗi khi mẹ dọn nhà, trang trí nhà cửa, bé lớn được phép chọn màu, vật dụng và tự tay dán các hình mình lựa. Lúc đi công tác, họ kết hợp làm hướng dẫn viên cho con, giúp bé hiểu hình ảnh, ngôn ngữ, đồ ăn, cách sinh hoạt hay các loại cây, con vật ở nơi mình đến.

Mỗi cuối tuần, anh chị tranh thủ đưa các con đến các khu vui chơi dành cho thiếu nhi để con được gặp gỡ, giao lưu cùng mọi người. Họ cũng mua một căn nhà ở ngoại ô và thường xuyên chở các con đến cho chúng hưởng không khí trong lành, thân thiện giao lưu với các bạn cùng trang lứa.

Với phương pháp đó, bé Win hiện rất tự tin, dạn dĩ, đã nói chuyện với ba mẹ bằng tiếng Anh, tính nhẩm được các phép cộng, trừ đơn giản... Bé biết phụ ba mẹ công việc nhà, như trông em, nhặt rau, vo gạo, dọn chén bát, biết tự chịu trách nhiệm với bản thân.

“Vừa làm việc ở vai trò sếp tổng, vừa thay phiên nhau dòm con, cực muốn lè lưỡi. Nhưng tính chất công việc của chúng tôi là bay suốt, đi công tác hàng tháng, lần nào cũng 1-2 tuần nên việc giao phó con cho ai đó không yên tâm xíu nào cả”, chị Trang chia sẻ thêm về quyết định cho con ở nhà mà không đi học, khiến nhiều người ngạc nhiên.

Ngoài ra, vốn dĩ hai vợ chồng chị có thể tự dạy con ở nhà là bởi họ cùng làm một công việc, không bị gò bó thời gian, nếu người này không giải quyết được, người kia sẽ làm thay. Mọi công việc ở công ty đã có nhân viên làm, họ chỉ giám sát từ xa, gặp gỡ khách hàng, đối tác. “Chúng tôi yêu con và tôn trọng quyết định của con”, chị Trang nói.

"Dù dạy con ở nhà, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý, tư tưởng cho con, để khi đi học cấp 1 bé không bỡ ngỡ”, chị Trang nói. 

Phan Thân

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment