Vợ chồng bà Quỳnh (xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam) có ba người con, hai trai một gái. Hai người con trước đều có gia đình riêng, sinh toàn con trai nên bà mong mình có một cô cháu gái. Vì thế, bà luôn đặt niềm tin ở cậu út là anh Bình (hiện 32 tuổi), luôn nghe lời bố mẹ, làm nghề lái xe, khi lấy vợ sẽ sinh được một nàng công chúa xinh đẹp, dễ thương để bà chưng diện váy áo...
Ngày anh Bình cưới chị Minh (cùng tuổi, quê Đồng Nai), bà Quỳnh vô cùng hãnh diện vì con dâu làm nghề may, vừa cao ráo, xinh đẹp, ngoan hiền, lại nấu ăn ngon và giỏi kiếm tiền. Gặp ai bà cũng khoe nàng dâu mới, "thằng Bình cưới được nó là phúc ba đời!”.
Không chỉ bà Quỳnh mà tất cả các anh chị em trong gia đình đều quý mến, tôn trọng chị Minh vì sự dí dỏm, hiếu thuận. Bốn đứa cháu nhỏ trong nhà hễ đi học thì thôi, về nhà là lại đòi thím út chở đi chơi, kể chuyện thiếu nhi cho nghe.
Chỉ có điều, mãi mà không thấy chị Minh mang thai làm ai cũng nóng lòng. Vợ chồng chị muốn đi khám để biết nguyên nhân nhưng bà Quỳnh ngăn lại, động viên các con đừng mong quá, hãy giữ tâm trạng thoải mái rồi con sẽ đến. Song song đó, bà mua đồ tẩm bổ cho các con, đưa đi gặp thầy lang cắt thuốc uống, tạo điều kiện cho vợ chồng chị Minh đi du lịch thay đổi không khí, nhưng tất cả đều vô vọng.
Bước sang năm thứ 5 về làm dâu, vợ chồng chị Minh đưa nhau đi Sài Gòn khám, chị như chết lặng khi nhận kết quả mình không có khả năng sinh con. Anh Bình ôm vợ vào lòng động viên, hứa sẽ cùng nhau vượt qua rào cản, vì quan niệm, con cái là duyên của bố mẹ. Nếu mình không có duyên với con thì thôi, quan trọng là hạnh phúc của hai vợ chồng.
Về nhà, anh xin phép bố mẹ đưa vợ vào Đồng Nai sống để chị Minh thoải mái. Từ đó, hai vợ chồng thường xuyên đi chùa làm việc thiện, gắng kiếm tiền tìm cơ hội có con. Họ cũng tính đến việc xin con nuôi hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.
Đồng ý cho cậu út đi xa, nhưng bà Quỳnh thay đổi hoàn toàn với con dâu. Bà soi từng việc làm, hành động, lời nói của chị Minh, dù chị luôn nhỏ nhẹ giải thích, hạ mình xin lỗi.
Căng thẳng gia đình bắt đầu xảy ra khi anh Bình đưa vợ về ăn tết cùng bố mẹ, bà Quỳnh yêu cầu con trai phải ở lại. “Mẹ đã ngắm con Trang cho con rồi. Nó mới ly hôn chồng, đang nuôi con một mình, kinh tế khá giả, hai gia đình là chỗ quen biết”, bà giới thiệu.
Ban đầu, anh Bình ra sức phản đối, vì tình yêu với vợ vẫn còn. Bà Quỳnh ra điều kiện, nếu không bỏ vợ thì đừng nhìn mặt bố mẹ. Chị Minh nghe chưa hết bàng hoàng thì Trang xuất hiện, được giới thiệu là dâu tương lai và sắp xếp ngồi gần anh Bình. Nhìn mẹ chồng gắp đồ ăn cho Trang, ánh mắt chồng nhìn cô gái kia cũng không ghét bỏ rồi họ vui vẻ trò chuyện, lòng chị Minh thắt lại. Chị muốn bỏ bữa giữa chừng, lao ra đường mà hét lên thật to nhưng lại không muốn làm người vô duyên trong bữa tiệc đầu năm.
“Biết mình không sinh được con, nhiều lần tôi khuyên anh ấy hãy đi tìm hạnh phúc mới, nhưng chẳng ngờ rằng, họ cố tình tạo ra tình huống như vậy”. Chị đề nghị chấm dứt mối quan hệ vợ chồng, anh ra sức năn nỉ, xin lỗi, nhưng vẫn nghe lời bố mẹ, qua lại với cô gái kia.
“Nhiều hôm anh ấy đi chơi đến tận khuya mới về, tôi muốn hét lên vì quá giận nhưng vẫn phải giữ bình tĩnh vì nghĩ, nguyên nhân là do mình vô phúc sinh con. Rồi cứ thế, ngày nào tôi cũng chỉ biết ngồi đợi chồng. Kỷ niệm ngày cưới, tôi mua hoa, nến, nấu đồ ăn, mua quà và kiên nhẫn đợi chồng về hâm nóng tình cảm, vậy mà anh ấy đi suốt đêm”, chị Minh tâm sự. Mấy tháng sau, Trang mang thai con trai, anh Bình nộp đơn ra tòa ly hôn và được TAND huyện Hàm Thuận Nam chấp nhận vào giữa năm 2015.
Ảnh minh hoạ: hufpost. |
Ngày đám cưới thứ hai của anh Bình, chị Minh đi lang thang, đến nơi hai người từng hẹn hò rồi hồi tưởng những ký ức, nước mắt cứ thế rơi. Về nhà, mang cuốn album hình cưới ra ngắm, lật từng trang, nhìn ánh mắt, nụ cười tươi rói, cái nắm tay hạnh phúc của hai vợ chồng, tim chị đau nhói. Mang cất hết những kỷ vật chung với chồng cũ, chị tự hứa, mình phải thật mạnh mẽ, sống vui vẻ bên người thân yêu.
Về phần Trang, nàng dâu mới này không khéo léo, luôn cãi tay đôi với mẹ chồng, chẳng coi trọng ai trong gia đình, việc bếp núc, ruộng vườn thì không đụng tay. Chỉ cần ai nói không vừa ý là cô vợ trẻ giận hờn, lớn tiếng mắng chửi. Cuối cùng, cô lấy hết quà cưới, nhẫn cưới, tài sản tích lũy của nhà chồng, tổng cộng hơn 100 triệu, bỏ về nhà bố mẹ đẻ, không cho bà Quỳnh nhận cháu, anh Bình nhận con. Lúc đó, bà Quỳnh vô cùng ân hận vì chọn nhầm người. Còn anh Bình trách mẹ để mình bị tuột mất người vợ như chị Minh.
Sau những căng thẳng với gia đình mới, tháng 6 vừa qua, một lần nữa anh Bình lại nộp đơn ra tòa ly hôn. Nhìn con trai đau khổ, ngày nào cùng lấy rượu giải sầu, bà Quỳnh rất buồn. Bà đi gặp chị Minh xin lỗi và muốn chị quay lại làm con dâu. Anh Bình cũng thường xuyên đi thăm vợ cũ, mong được nối lại tình cảm, thế nhưng hai mẹ con họ không được chấp nhận. “Tôi đã bị tổn thương, bây giờ không thể mở lòng được nữa”, chị Minh chua chát nói. Đến giờ, chị đã nhận nuôi một đứa cháu và cũng không có ý định tái hôn.
Theo thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy (TP HCM), để xảy ra kết quả ở câu chuyện trên là do anh Bình không có lập trường vững chắc và cách giải quyết chưa hợp lý khi vừa muốn vợ, vừa muốn chiều lòng mẹ.
Vị chuyên gia cho rằng, hiện nay, rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn nhưng họ đã cùng nhau cố gắng và nhờ sự tiến bộ của y học, cuối cùng cũng nhận được quả ngọt. Có một vài trường hợp dẫn đến ly hôn, nhưng vì lý do không còn tình yêu, chứ không phải do bị gia đình ép như câu chuyện của anh Bình. “Tôi tư vấn cho rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, nhưng lần đầu tiên tôi nghe câu chuyện này. Cái kết của nó thật bi hài”, bà Thúy nói. Bà khuyên những người rơi vào trường hợp tương tự, hãy quyết đoán, có lập trường vững chắc, đừng đứng núi này trông núi nọ để phải nhận cái kết như mẹ con anh Bình.
* Tên nhân vật đã thay đổi
Phan Thân
No comments:
Post a Comment