Friday, December 29, 2017

Biến đổi khí hậu và đại dịch đẩy La Mã vào cảnh diệt vong

Sự sụp đổ của đế quốc La Mã là đề tài nghiên cứu hấp dẫn với nhiều nhà sử học. Ảnh: John Martin/Wikimedia Commons.

Sự sụp đổ của đế quốc La Mã là đề tài nghiên cứu hấp dẫn với nhiều nhà sử học. Ảnh: John Martin/Wikimedia Commons.

La Mã là một trong những nền văn minh nổi tiếng và phát triển rực rỡ nhất lịch sử nhân loại. Sự sụp đổ của đế quốc La Mã cũng trở thành đề tài hấp dẫn đối với các nhà sử học. Theo nghiên cứu, có hai nguyên nhân quan trọng góp phần dẫn đến sự sụp đổ của đế quốc hùng mạnh này, đó là biến đổi khí hậu và dịch bệnh, theo Scroll.in.

Giữa thế kỷ thứ hai, người La Mã thống trị khắp một vùng rộng lớn trải dài từ phía bắc nước Anh đến rìa sa mạc Sahara, từ Đại Tây Dương đến khu vực Lưỡng Hà. Trong thời kỳ hoàng kim, dân số La Mã chạm ngưỡng 75 triệu người. Nhà sử học nổi tiếng người Anh thế kỷ 18, Edward Gibbon, từng gọi đây là thời đại "hạnh phúc nhất" lịch sử.

5 thế kỷ sau, đế quốc La Mã rộng lớn chỉ còn là đế quốc Đông La Mã nhỏ bé với kinh đô Constantinople. Những vùng đất phía đông bị người Hồi giáo xâm chiếm, khu vực phía Tây trở thành lãnh thổ của các vương quốc khác.

Thương mại đi xuống, các thành phố thu nhỏ và công nghệ kỹ thuật dừng phát triển. Thời kỳ này dân số La Mã sụt giảm và chính trị trở nên bất ổn. Khi nhà sử học Ian Morris tại Đại học Stanford lập bảng thể hiện sự phát triển xã hội của thế giới, sự sụp đổ của La Mã trở thành bước lùi lớn nhất trong lịch sử các nền văn minh nhân loại.

Trong quá trình nghiên cứu sự suy tàn của La Mã, phần lớn học giả xem xét các vấn đề chính trị hoặc bối cảnh địa chính trị thay đổi khi các nước lân cận dần bắt kịp trình độ quân sự và chính trị của đế quốc này. Tuy nhiên, một số bằng chứng mới cho thấy, yếu tố môi trường tự nhiên cũng đóng vai trò lớn góp phần xóa sổ đế quốc La Mã.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn khiến đế quốc La Mã suy vong. Ảnh: History Collection.

Biến đổi khí hậu và dịch bệnh được coi là những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy sự sụp đổ của đế quốc La Mã. Ảnh: History Collection.

Biến đổi khí hậu không phải tình trạng mới phát sinh do khói thải của hoạt động công nghiệp mà diễn ra trong suốt thời gian loài người tồn tại. Chu kỳ hoạt động của Mặt Trời có thể làm thay đổi sự phân bố và mức năng lượng Trái Đất nhận được qua từng thời kỳ. Những đợt phun trào núi lửa cũng giải phóng sulphate lên khí quyển, đôi khi gây ra ảnh hưởng lâu dài đến khí hậu. Đây cũng là nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến sự phát triển và suy tàn của nền văn minh La Mã.

Những người xây dựng đế quốc La Mã đã gặp đúng thời điểm lý tưởng. Thời tiết khi đó ấm áp, ẩm và ổn định giúp nâng cao năng suất trong xã hội nông nghiệp. Lợi ích từ tăng trưởng kinh tế hỗ trợ cho những chính sách về chính trị và xã hội mà La Mã dùng để quản lý lãnh thổ rộng lớn.

Việc thời kỳ khí hậu thuận lợi kết thúc không khiến La Mã diệt vong ngay. Thay vào đó, khí hậu kém thuận lợi làm suy yếu La Mã khi đế quốc này đang lâm vào cảnh hiểm nghèo trước những kẻ thù nguy hiểm là người Đức và người Ba Tư.

Tình trạng khí hậu bất ổn đạt đỉnh điểm vào thế kỷ thứ 6, dưới thời cai trị của hoàng đế Justinian. Nghiên cứu cho thấy, hoạt động núi lửa tăng mạnh những năm 530 - 540, một hiện tượng bất thường chưa từng xảy ra suốt hàng nghìn năm.

Sau chuỗi những vụ phun trào núi lửa, nhiệt độ khu vực này hạ thấp trong ít nhất 150 năm. Khí hậu khắc nghiệt tác động lớn đến sự suy tàn của La Mã, thậm chí còn liên quan mật thiết đến một thảm họa khủng khiếp, đó là sự bùng phát bệnh dịch hạch.

Hàng loạt những đợt phun trào núi lửa diễn ra làm thay đổi khí hậu. Ảnh: Ancient Origins.

Hàng loạt đợt phun trào núi lửa diễn ra làm thay đổi khí hậu. Ảnh: Ancient Origins.

Tuổi thọ trung bình của người La Mã khi đó chỉ trên 20 tuổi. Trong đó, bệnh truyền nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Đế quốc La Mã với nhiều đô thị và các khu dân cư nối liền nhau tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lây lan.

Những bệnh đường ruột như Shigellosis và phó thương hàn lây truyền qua thức ăn và nước uống bùng phát tại những thành phố đông đúc. Ở khu vực có các đầm lầy cạn nước, ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum phát triển mạnh. Bệnh lao và bệnh phong cũng hoành hành tại các thành phố được xây dựng trong thời kỳ đế quốc La Mã hưng thịnh.

Sự xuất hiện của những mầm bệnh mới gây ra đại dịch ảnh hưởng lớn đến quá trình La Mã sụp đổ. Đế quốc này phải hứng chịu ba bệnh dịch liên lục địa, đầu tiên là dịch Antonine. Dịch bệnh này bùng phát vào thời điểm khí hậu bắt đầu trở nên khắc nghiệt hơn. Theo các nhà khoa học, đây thực chất có thể là bệnh đậu mùa.

Sau đại dịch, đế quốc La Mã hồi phục nhưng không thể quay lại thời kỳ đỉnh cao trước kia. Đến giữa thế kỷ thứ ba, một dịch bệnh không rõ nguồn gốc có tên Cyprian bùng phát khiến người La Mã rơi vào thảm cảnh. Khi đại dịch qua đi, đế quốc La Mã hoàn toàn thay đổi với hoàng đế mới, đồng tiền mới và kiểu xã hội mới.

Vào thế kỷ thứ 6, đế quốc đang hồi sinh dưới sự cai trị của hoàng đế Justinian lại phải đối mặt với dịch hạch, khúc dạo đầu cho đại dịch Cái Chết Đen thời Trung Cổ. Căn bệnh khủng khiếp đã lấy đi mạng sống của gần một nửa dân số La Mã.

Thủ phạm gây ra đại dịch này là Yersinia pestis, loại vi khuẩn tiến hóa cách đây khoảng 4.000 năm. Căn bệnh vốn xảy ra ở những loài gặm nhấm đào hang và sống theo đàn như sóc đất hay chuột nhảy gerbil. Tuy nhiên, đại dịch lịch sử lây lan qua ít nhất 5 con đường khác nhau: vi khuẩn, động vật gặm nhấm, chuột đen - loài chuột sống gần với người, bọ chét phát tán mầm bệnh và cuối cùng là con người.

Các bằng chứng về gene cho thấy vi khuẩn Yersinia pestis gây ra đại dịch thời đó bắt nguồn ở khu vực gần phía tây Trung Quốc. Chúng xuất hiện lần đầu ở bờ biển phía nam Địa Trung Hải, sau đó lan rộng qua hàng hóa vận chuyển cho người La Mã.

Việc đại dịch gây ra hậu quả thảm khốc như vậy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ yếu tố tự nhiên như khí hậu đến yếu tố nhân tạo như hệ thống giao thương khiến mầm bệnh lây lan. Yếu tố tự nhiên trong sự sụp đổ của đế quốc La Mã giúp con người nhận ra sức mạnh khủng khiếp của môi trường có khả năng thay đổi vận mệnh nhân loại.

Thu Thảo

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment