"Con nhìn con nhà người ta xem"
So sánh con nhà mình với con nhà người khác, hoặc bạn cùng lớp có lẽ là thói quen ăn sâu vào suy nghĩ của hầu hết các bậc phụ huynh Việt trong cuộc sống hằng ngày.
Có thể dễ dàng thấy các bậc phụ huynh luôn lấy 1 nhân vật “con nhà người ta” dù chẳng rõ là con nhà ai, nhưng theo các bậc phụ huynh nói thì đó là một tấm gương sáng, người tốt, việc tốt... cái gì cũng tốt, là quy chuẩn để bắt buộc con mình phải noi theo. Thế nhưng, hầu hết chả ai để ý rằng, những câu so sánh không hề ác ý đó lại âm thầm làm trẻ tổn thương sâu sắc.
Nếu việc so sánh này cứ lặp đi lặp lại trong bất cứ việc gì, sẽ làm cho trẻ ý thức rằng, nếu mình không được giống “con người ta” thì cha mẹ sẽ không thương mình nữa. Đem khuyết điểm của con đi so sánh với ưu điểm của người khác sẽ làm trẻ trở thành con người khác, dần dụt dè, tự ti, thậm chí là oan thán cha mẹ và “con nhà người ta”.
"Con còn như thế, bố/mẹ sẽ không yêu con nữa"
Có lẽ chẳng có tình cảm nào có thể so sánh được bằng tình thương của cha mẹ dành cho con cái. Và tất nhiên chả có ai lại nỡ “không yêu con nữa” chỉ vì con mắc một khuyết điểm nào đó.
Thế nhưng, không ít các bậc phụ huynh lại thường đem tình yêu của mình ra làm điều "dọa" con trẻ. Thậm chí có người còn thường xuyên đùa với con mình bằng câu nói: "Con mà còn như thế, mẹ sẽ không yêu con nữa, mẹ sẽ đón bạn… về nuôi".
Với một tâm hồn trẻ thơ, các con sẽ cho rằng, tình cảm bố mẹ dành cho các con không nhiều và không là mãi mãi, nó có thể thay đổi nếu con làm sai điều gì, những việc làm này của cha mẹ vô hình dung tạo nên tâm lý sợ sệt cho trẻ, làm cho trẻ xa lánh người thân.
"Mẹ ước chưa từng sinh ra con''
Rất nhiều bậc phụ huynh từng vô tình mắng con như vậy trong một lần giận dữ tột đỉnh. Bố/mẹ nói ra câu này có thể sau đó chỉ một vài giây sẽ quên ngay lập tức, tuy nhiên với trẻ thì không. Bé sẽ tin rằng, mẹ không muốn làm bố mẹ của mình hay thực sự bố mẹ đang chán ghét và không yêu quý mình nữa.
Hay khi trẻ nghe thấy mẹ nói rằng ““Giá như bé…là con của mẹ”, bé sẽ bị tổn thương bởi suy nghĩ: "Mẹ ghét mình, mẹ chỉ yêu bạn…thôi". Từ đó, bé sẽ trở nên mặc cảm, tự tin, so bì, ghen tỵ với bạn đó.
"Con thật ngu ngốc, vô tích sự"
Không ít trường hợp, khi trẻ làm sai hoặc không làm hoàn chỉnh một việc gì đó để giúp bố mẹ, bạn sẽ mất bình tĩnh và dễ dàng nói với con rằng “Con thật là ngu ngốc”. Cụm từ này thực sự có thể làm tổn thương một đứa trẻ, nó có thể làm cho chúng cảm thấy bản thân mình là một sự thất bại.
''Không ăn hết cơm thì đừng trách mẹ"
Những câu nói như: "Có ăn không thì bảo, con mà không ăn là mẹ đánh đấy", "Con không ăn là ma đến bắt đi đấy" hoặc "Không ăn hết cơm thì con sẽ không được ăn bánh"... dễ khiến trẻ cảm thấy như đang bị phạt và giảm hẳn cảm giác ngon miệng.
Nếu mẹ cứ tiếp tục dọa nạt bé như vậy, bé sẽ bị ức chế tâm lý, cơ thể khó hấp thụ được chất dinh dưỡng có trong thức ăn. Không những vậy, mẹ sẽ khiến trẻ sinh ra tư tưởng sợ ăn hoặc không dám ăn cơm cùng bố mẹ.
"Con còn quá nhỏ để nghĩ về điều này"
Câu nói của bố mẹ có thể khiến trẻ có suy nghĩ: “Mình muốn biết. Mình sẽ hỏi người khác.” Nếu khi con đưa ra một câu hỏi nhưng chẳng nhận được thông tin, con sẽ tìm lời đáp từ những nguồn khác – những người có ít thẩm quyền hơn và đó có thể là một điều không đúng đắn.
Bố mẹ nên nói với con rằng: “Bố mẹ chưa sẵn sàng để trả lời câu hỏi của con ngay bây giờ. Bố mẹ cần thêm thời gian để tìm hiểu”. Bạn không nên phớt lờ con hay trốn tránh trả lời câu hỏi của con. Bằng cách này, bạn sẽ vẫn giữ được một vị trí tốt và lòng tin với con.
No comments:
Post a Comment