Bộ Y tế và bộ Hợp tác phát triển Đan Mạch vừa tổ chức buổi tọa đàm về bệnh không lây nhiễm tại trường đại học Y tế Công cộng (Hà Nội). Tại đây, nhiều chuyên gia y tế lo ngại về tình trạng bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng tại nước ta.
Tại buổi tọa đàm, đại diện bộ Y tế cho biết, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn chuyển đổi giữa dân số và dịch tễ học với sự gia tăng tuổi thọ và tỉ lệ hiện mắc các bệnh không lây nhiễm.
Ông Trần Quốc Bảo (Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, cục Y tế dự phòng, bộ Y tế) cho biết: Có 4 yếu tố nguy cơ phổ biến hình thành bệnh không lây nhiễm là hút thuốc, sử dụng rượu bia ở mức có hại, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực dẫn đến các thay đổi sinh chuyển hóa trong cơ thể, gây thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tăng lượng đường trong máu, từ đó phát triển thành bệnh.
Ít ăn rau quả cũng là nguyên nhân gia tăng bệnh không lây nhiễm (Ảnh minh họa). |
Các bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất là tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và 73% các trường hợp tử vong hàng năm ở nước ta. Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh phổi mạn tính và mỗi năm có khoảng 120.000 ca mắc mới ung thư.
BS Trần Quốc Bảo cho biết thêm, qua khảo sát cho thấy, có hơn một nửa số người trưởng thành ở nước ta ăn ít rau, trái cây so với mức khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (tối thiểu là 400g mỗi ngày của người trưởng thành). Thế nhưng lại có tới một nửa số nam giới trong độ tuổi trưởng thành thường xuyên hút thuốc, 77% nam giới trưởng thành uống rượu bia, trong đó 44% số người uống rượu bia ở mức nguy hại và 1/3 số người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực.
BS Bảo cảnh báo, việc trung bình mỗi người ăn 9,4g muối mỗi ngày, gần gấp đôi mức khuyến cáo cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc bệnh tim mạch, đột quỵ. Trong khi đó, do còn hạn chế về sàng lọc phát hiện bệnh sớm, có gần 2/3 người mắc phổi tắc nghẽn mạn tính và đái tháo đường không được phát hiện và quản lý bệnh. 70% người bệnh ung thư ở Việt Nam cũng đến bệnh viện ở giai đoạn muộn.
BS cũng khuyến cáo, để phòng chống bệnh không lây nhiễm, mọi người cần phòng tránh các hành vi nguy cơ như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ăn nhiều muối, nhiều chất béo bão hòa, ăn ít rau, trái cây và thiếu vận động thể lực. Những thói quen này sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu và mỡ máu cùng nhiều bệnh không lây nhiễm khác.
N.Giang
No comments:
Post a Comment