Wednesday, December 27, 2017

Những sự kiện thiên văn vũ trụ gây chú ý năm 2017

Nhật thực toàn phần hôm 21/8 ở Mỹ. Ảnh: NASA

Nhật thực toàn phần hôm 21/8 ở Mỹ. Ảnh: NASA

Nhật thực toàn phần hiếm gặp quét qua nước Mỹ

Ngày 21/8, nhật thực toàn phần quét qua nước Mỹ từ bờ đông sang bờ tây lần đầu tiên sau gần 100 năm, theo Aol.com. Không có khu vực nào ở Mỹ có thể theo dõi nhật thực toàn phần từ năm 1979, trong khi lần cuối cùng nhật thực toàn phần đi từ bờ đông sang bờ tây nước Mỹ là vào năm 1918.

Hàng triệu người Mỹ hướng lên bầu trời để theo dõi hiện tượng nhật thực toàn phần hiếm gặp này. Người dân các bang từ Oregon đến South Carolina tỏ ra vô cùng phấn khích khi trông thấy Mặt Trăng che khuất Mặt Trời, khiến cả nước Mỹ chuyển từ ngày sang đêm trong nhiều phút.

NASA phát hiện 10 hành tinh có kích thước giống Trái Đất  

Tháng 6, kính viễn vọng không gian Kepler của NASA phát hiện 219 hành tinh mới, trong đó có 10 hành tinh với kích thước giống Trái Đất. Các nhà khoa học cho biết, những hành tinh này có thể chứa nước lỏng, yếu tố quan trọng cho sự sống ngoài hành tinh.

Vụ va chạm của hai ngôi sao neutron

Những sự kiện thiên văn nổi bật năm 2017

Đồ họa vật chất phun ra từ vụ va chạm của hai sao neutron. Video: YouTube. 

Ngày 17/8, các nhà thiên văn lần đầu tiên quan sát được vụ va chạm giữa hai ngôi sao neutron sinh ra sóng hấp dẫn. Vụ va chạm sao neutron diễn ra cách Trái Đất 130 triệu năm ánh sáng ở một thiên hà tương đối già mang tên NGC 4993.

Tín hiệu sóng hấp dẫn có tên GW170817, được nhận biết bởi hai máy dò sóng cực nhạy ở Washington và Louisiana do Đài quan sát sóng hấp dẫn bằng giao thoa kế laser (LIGO) vận hành. Vụ va chạm cũng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sao neutron và nguồn gốc của một số nguyên tố như vàng hay urani.

Tàu Cassini đâm xuống sao Thổ

Tàu Cassini mang sứ mệnh khám phá sao Thổ suốt 13 năm qua. Ảnh: NASA.

Tàu Cassini mang sứ mệnh khám phá sao Thổ suốt 13 năm qua. Ảnh: NASA.

Ngày 15/9, tàu vũ trụ Cassini lao qua khí quyển sao Thổ bốc cháy, chính thức kết thúc sứ mệnh không gian của mình. Tàu Cassini được phóng lên ngày 15/10/1997 trong dự án hợp tác giữa NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) để khám phá sao Thổ.

Sau 7 năm du hành vũ trụ, con tàu tiếp cận quỹ đạo hành tinh này và liên tục gửi về Trái Đất những dữ liệu khoa học quý giá. Tuy nhiên, do lo ngại con tàu khi hết nhiên liệu sẽ mất điều khiển và đâm vào hai mặt trăng có thể chứa sự sống của sao Thổ, NASA quyết định để con tàu đâm xuống hành tinh này tự sát.

Tiểu hành tinh du hành liên sao đầu tiên đến hệ Mặt Trời

Ngày 19/10, NASA phát hiện một tiểu hành tinh du hành liên sao qua kính viễn vọng Pan-STARS ở Hawaii. Phát hiện mới đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử các nhà khoa học quan sát được một tiểu hành tinh du hành xuyên qua hệ Mặt Trời. Tiểu hành tinh được đặt tên là 'Oumuamua, nghĩa là "sứ giả đầu tiên đến từ nơi xa" trong tiếng Hawaii.

'Oumuamua có hình dáng thuôn dài đặc biệt, dài khoảng 180 - 400 mét nhưng chỉ rộng 40 mét. Nó lao qua hệ Mặt Trời với góc di chuyển kỳ lạ và đang bay ra xa với tốc độ cao. Hiện giới khoa học vẫn chưa thể thống nhất về nguồn gốc của vật thể này.

Những sự kiện thiên văn nổi bật năm 2017

 Vật thể liên sao 'Oumuamua lao qua hệ Mặt Trời. Video: ESO.

Nghiên cứu về sóng hấp dẫn đoạt giải Nobel Vật lý 2017

Tháng 10, ba nhà vật lý người Mỹ Rainer Weiss, Barry C. Barish và Kip S. Thorne giành giải Nobel Vật lý 2017 nhờ phát hiện về sóng hấp dẫn, những gợn sóng trong trường không gian - thời gian được Albert Einstein tiên đoán lần đầu tiên cách đây một thế kỷ.

Cả ba nhà khoa học giữ vai trò chỉ đạo trong thí nghiệm ở Đài quan trắc sóng hấp dẫn bằng giao thoa kế laser (LIGO), nơi lần đầu tiên trong lịch sử quan sát được sóng hấp dẫn vào tháng 9/2015.

Nghiên cứu sóng hấp dẫn giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về thời kỳ sơ khai của vũ trụ cũng như những vấn đề phức tạp liên quan đến hố đen hay các sao neutron.

Thu Thảo

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment