Saturday, December 9, 2017

Nhà tôi lúc nào cũng hết tiền từ khi mua ôtô

Dưới đây là chia sẻ của chị Huyền Trang, 34 tuổi, hiện sống tại TP HCM về sự tốn kém khi sở hữu một chiếc ôtô.

Cuối năm 2015, sau 5 năm cưới nhau, vợ chồng tôi có hai nhóc 4 và 2 tuổi, một ngôi nhà một trệt, một lầu. Tôi làm nhân viên hành chính trong một tập đoàn, lương khoảng 10 triệu/tháng, chồng làm trong một công ty thiết kế, trang trí nội thất, thu nhập tầm 20 triệu/tháng. Vợ chồng tôi không có chương trình tiết kiệm cụ thể, thỉnh thoảng thấy tài khoản ATM nhiều tiền thì tôi trích bớt ra gửi tiết kiệm online. Nhìn chung, mỗi năm chúng tôi cũng bỏ ra được vài chục triệu. Cuộc sống về cơ bản là thoải mái, cuối tuần dẫn con đi chơi quanh thành phố, một năm đi du lịch vài lần. Cả hai vợ chồng đều mơ ước có một chiếc ôtô, để thỉnh thoảng về quê, cuối tuần đi chơi cho tiện. Đặc biệt, bạn bè nhiều người cũng mua được xe nên chúng tôi cảm thấy việc có xe hơi là điều cần thiết. Chồng tôi đã đi học lái xe từ hồi năm 2013, anh học luôn bằng B2, đề phòng sau này thất nghiệp thì đi lái xe.

Lúc đó, khoản tiết kiệm của hai vợ chồng được 350 triệu, chồng tôi đề xuất rút ra mua ôtô. Chúng tôi mua một chiếc xe với giá 498 triệu. Đóng 10% thuế trước bạ, cộng 2,5 triệu tiền công cho người làm dịch vụ giấy tờ, 400.000 tiền đăng kiểm và 2,16 triệu tiền phí bảo trì đường bộ 12 tháng, tổng cộng mất hơn 50 triệu nữa, xe nhà chúng tôi đã có thể lăn bánh. Sau đó chồng tôi đi bọc da cho ghế, dán kính, lót inox 4 cửa xe, lắp thêm miếng che mưa ở cửa xe, lắp thêm các thanh bảo vệ xung quanh thành xe… hết tổng cộng 30 triệu nữa.

Để sở hữu chiếc xe này, vợ chồng tôi đã phải vay ngân hàng 250 triệu. Chúng tôi được hưởng lãi suất ưu đãi 7,9% trong hai năm đầu, năm năm còn lại thì lãi suất theo thị trường. Mỗi tháng, chúng tôi phải trả lãi ngân hàng khoảng 5 triệu và chồng tôi nhận trách nhiệm việc này.

toi-tiec-vi-da-dong-y-cho-chong-mua-oto

Ảnh minh họa: Express.

Từ ngày có xe, chúng tôi gần như không tiết kiệm được gì. Tiền lương của tôi phục vụ cho ăn uống, tiêu dùng hàng ngày, một vài nhu cầu của cá nhân là hết. Trước đây, chồng mỗi tháng góp cho tôi 10 triệu, giờ số tiền đó dành để nuôi “vợ hai”, trong đó có tiền trả ngân hàng. Tiền học của con, lúc vợ đóng, lúc chồng đóng. Chồng tôi liên tục kêu thiếu tiền vì cứ có đồng nào lại tốn vào "vợ hai" hết, mua nước hoa, mua đồ trang trí, mua bộ loa, mua máy quay hành trình… Đổi xe máy sang ôtô, chi phí đi lại của chồng tôi tăng đáng kể, trước đây mỗi tuần anh chỉ phải đổ xăng một lần, 70.000 đồng, giờ cũng tuần đổ một lần nhưng là 500.000 đồng. Nhà chúng tôi trong hẻm 3m nên ôtô phải đem gửi ở gara, mất một triệu mỗi tháng.

Chưa kể chồng tôi vẫn mang phong cách đi xe máy vào ngồi ôtô, nên thường xuyên phải đóng tiền phạt, lúc thì vì đi lấn làn xe máy, lúc thì vòng sang đường đè phải vạch đường đi bộ... Tiền phạt cho các lỗi vi phạm của ôtô đương nhiên cũng cao gấp vài lần tiền phạt dành cho xe máy.

Việc va quệt trong thành phố đông đúc là không tránh khỏi. Thời gian đầu, chúng tôi tốn không biết bao nhiêu tiền để sửa chữa những lỗi do va quệt như móp đầu đuôi xe, xước sơn… Vì yêu "vợ hai" nên chỉ một vết xước nhỏ trên xe cũng khiến chồng tôi không ăn không ngon ngủ không yên. Sau đó, chúng tôi mua bảo hiểm tự nguyện, gói hơn 7 triệu/năm thì những lỗi nhỏ nhỏ như vậy đã được bảo hiểm chi trả.

Tổng kết lại sau hai năm "chồng cưới vợ hai", gia đình tôi không tiết kiệm được đồng nào, làm ra bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu dù từ đó đến nay, tổng lương của cả hai đều đã được tăng thêm khoảng 20%. Cuộc sống cũng không thoải mái hơn nhờ có chiếc ôtô, mà còn nhiều phiền toái hơn vì thỉnh thoảng bị nhờ chở đi nơi này nơi kia. Cả hai lần chúng tôi có việc về quê, chiếc xe đều đang nằm ở xưởng sửa chữa, vợ chồng con cái vẫn phải đi xe khách và taxi. Tôi đã rất chán cái xe vì đã quá tốn tiền cho nó nhưng nếu bây giờ bán đi, chúng tôi chỉ thu về được tầm 400 triệu vì mỗi năm xe đã mất giá khoảng 20%.

Theo doanh nhân, luật sư Phạm Thành Long, ôtô là tiêu sản (không dùng để kinh doanh tạo lợi nhuận mà chỉ để tiêu dùng) nên theo công thức tiết kiệm, đầu tư, chi tiêu của các chuyên gia dạy làm giàu nổi tiếng thế giới, giá trị của chiếc xe tối đa chỉ nên bằng 6 tháng lương của bạn. Tức là nếu mua một chiếc xe 540 triệu thì thu nhập tối thiểu của bạn phải là 90 triệu/tháng.

Theo ông Long, việc mua ôtô để chứng tỏ mình cũng giàu như những người khác là một sai lầm rất nghiêm trọng, bởi "chiếc áo không làm nên thầy tu", cái ôtô không khiến bạn giàu hơn. Bạn giàu là tổng tài sản đầu tư của bạn đang sinh lợi cho bạn lớn.

Ông Long cho biết, ông cũng không mua ôtô vì thường xuyên đi công tác. Dù ở Việt Nam hay nước ngoài ông đều dùng taxi. Nhờ có điểm thưởng, chi phí taxi của ông thậm chí còn thấp hơn rất nhiều so với tổng chi phí vợ ông phải bỏ ra để gửi xe hơi khi đi siêu thị, đón con... ở Hà Nội.

Hoàng Anh (ghi)

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment