Vàng da có thể gây tử vong hoặc bại não
Vàng da sơ sinh là do tăng bilirubin gián tiếp rất hay gặp, chiếm 25-30% ở trẻ đủ tháng và đa số ở trẻ non tháng. Bệnh thường xảy ra trong tháng tuổi đầu tiên.
Vàng da sơ sinh có thể ở mức độ nhẹ (vàng da sinh lý) nhưng cũng có thể tiến triển nặng (vàng da bệnh lý). Nếu không phát hiện và điều trị vàng da bệnh lý kịp thời thì có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân) do bilirubin gián tiếp thấm vào não mà hậu quả là trẻ sẽ bị tử vong hoặc bị bại não suốt đời.
Tình trạng vàng da ở trẻ
Vàng da sinh lý: Xuất hiện 2 – 3 ngày sau sinh. Trẻ có biểu hiện vàng da nhẹ ở mặt, ngực. Trẻ vẫn khỏe, bú tốt, tăng cân tốt, tiêu phân vàng. Thường tự khỏi sau 7 - 14 ngày.
Vàng da bệnh lý: Thường xuất hiện sớm trong 24 giờ đầu sau sinh. Với những biểu hiện Vàng da nhiều, tăng nhanh. Trẻ bú kém, khóc thét, lừ đừ, thiếu máu, có thể kèm theo gan lách to, tăng trương lực cơ, ưỡn cổ và thân, sốt, co gồng, co giật, tiêu phân bạc màu..... Thời gian vàng da kéo dài hơn.
Có một số nguyên nhân gây vàng da ở trẻ như:
Vàng da sinh lý: Thường xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 sau khi trẻ mới sinh và khỏi trong vòng 10 ngày.
Vàng da do nhiễm khuẩn: Hay gặp nhất ở trẻ mới sinh là nhiễm khuẩn rốn, nhiễm khuẩn da. Vàng da có thể xuất hiện sớm, hoặc muộn.
Vàng da do người mẹ mắc giang mai: Vàng da thường nhẹ nhưng kéo dài, kèm theo gan to, lách to.
Vàng da do virus: Chủ yếu là do virus gây bệnh viêm gan truyền từ mẹ qua nhau thai gây nên.
Vàng da tan máu do bất đồng yếu tố Rh: Bệnh xảy ra khi người mẹ có yếu tố Rh (-), người bố có yếu tố Rh(+), con sinh ra có yếu tố Rh(+).
Vàng da do tắc mật bẩm sinh: Nguyên nhân do đường mật bị teo nhỏ ở mức độ khác nhau.
Cách điều trị vàng da cho trẻ
Trẻ sẽ phải được chữa trị nếu như nồng độ bilirubin ở trẻ cao hơn mức thông thường ở trẻ sơ sinh. Trẻ sẽ được đặt dưới một loại ánh sáng huỳnh quang để điều trị bệnh vàng da. Phương pháp này được gọi là quang trị liệu.
Da hấp thụ ánh sáng, làm thay đổi bilirubin để cơ thể dễ dàng đào thải hơn. Việc điều trị thông thường được thực hiện tại bệnh viện. Nhưng đôi khi trẻ sơ sinh cũng có thể được điều trị tại nhà.
Đừng cố gắng tự điều trị vàng da cho trẻ bằng việc cho trẻ tắm nắng hoặc ở gần cửa sổ. Việc sử dụng ánh sáng chuyên dụng cũng như kiểm soát chặt chẽ môi trường xung quanh là rất cần thiết để điều trị vàng da cho trẻ một cách an toàn.
Nếu như bệnh vàng da là do một vấn đề sức khỏe gây ra, trẻ sẽ cần được can thiệp bởi một số biện pháp điều trị khác. Ví dụ nếu trẻ bị vàng da nghiêm trọng do RH không tương thích, trẻ có thể sẽ cần truyền máu.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần thực hiện sát sao các công việc sau:
- Nhìn sát vào da bé để kiểm tra khoảng 2 lần 1 ngày để chắc chắn rằng da đang dần trở về màu bình thường. Nếu như da trẻ quá sậm màu, hãy chú ý đến lòng trắng trong mắt bé.
- Cho bé làm các kiểm tra theo yêu cầu của bác sĩ
- Liên hệ ngay với bác sĩ nếu tình trạng vàng da nghiêm trọng hơn sau khi trẻ được 3 ngày tuổi
Điều tốt nhất mà bạn có thể làm để giảm hiện tượng vàng da ở trẻ là cho trẻ bú đủ để giúp cơ thể đủ khả năng đào thải bilirubin.
Nếu bạn nuôi con bằng sữa mẹ, trong 24 giờ nên cho con ăn khoảng 8 đến 12 lần
- Nếu bạn cho bé ăn bằng sữa công thức, hãy theo dõi sát sao để đảm bảo cho bé ăn đủ (trong 24 giờ nên ăn khoảng 6 đến 10 lần)
Nếu bạn không chắc chắn là bé đã được ăn đủ sữa chưa, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ, y tá hoặc chuyên gia để được tư vấn.
No comments:
Post a Comment