Wednesday, December 6, 2017

'Đang trả nợ mua nhà, tôi vẫn dành tiền gửi tiết kiệm và du lịch'

Đang phải trả khoản nợ ngân hàng 600 triệu đồng mua căn hộ và một mình nuôi con gái nhỏ, chị Hải Châu, 33 tuổi ở Hà Đông (Hà Nội) vẫn đều đều mỗi tháng gửi tiết kiệm và cho phép mình một năm có vài chuyến đi chơi xa. Dưới đây là bài viết chia sẻ quan niệm của chị về cách cân bằng giữa việc trả nợ và tận hưởng cuộc sống.

Nhìn cuộc sống của tôi và cô con gái 7 tuổi lúc nào cũng thảnh thơi, trên Facebook thường xuyên đăng ảnh đi ăn, đi chơi, nhiều người nghĩ tôi hẳn có ông chồng kiếm tiền tốt, cuộc sống không phải lo nghĩ gì về cơm áo. Thực tế, tôi là bà mẹ đơn thân, một mình lo cho con và đang gánh khoản nợ mua nhà không nhỏ. Nhưng với tôi, cuộc sống là từng phút giây nên tôi luôn ưu tiên cho những trải nghiệm hiện tại.

Làm trong một công ty truyền thông, thu nhập mỗi tháng của tôi hiện tầm 18-20 triệu, thêm các khoản thưởng rải rác tổng cộng một năm được khoảng 50-60 triệu đồng. Tôi ly hôn 5 năm trước, khi con gái mới 2 tuổi. Tôi ra đi gần như tay trắng vì bao năm lấy chồng luôn phải một mình chăm lo cho cả gia đình. Trước khi mua nhà, tôi gửi con gái nhỏ nhờ bố mẹ đẻ nuôi ở quê, bản thân tập trung vào công việc, cuối tuần mới về thăm con. 

Đầu năm 2015, được một chị đồng nghiệp động viên, tôi quyết định mua một căn chung cư diện tích nhỏ, giá hơn 900 triệu đồng, khi trong tay chỉ có 250 triệu. Tôi vay ngân hàng 600 triệu đồng, nhận lãi suất ưu đãi 5%, còn lại vay thêm của anh trai gần 100 triệu. 

Khi phải mang khoản nợ lớn đầu tiên trong đời, tôi khá căng thẳng. Trước nay tôi chưa từng vay của ai đồng nào. Đứng trước hai câu hỏi nên cố gắng chắt bóp để trả nợ nhanh xong hay giãn thời gian ra để góp dần, tôi chọn cách thứ hai. Tôi quyết định trả dần trong 15 năm. Tôi muốn đón con lên nuôi, dành nhiều thời gian cùng con trải nghiệm cuộc sống, hơn là vắt kiệt sức kiếm tiền trong những năm tới.

Năm đầu tiên, khoản gốc lãi tôi phải trả hằng tháng là 7 triệu đồng. Cứ nhận lương xong là tôi chuyển luôn khoản này, đồng thời đăng ký trả tự động các khoản cố định như tiền điện, nước, điện thoại, internet... tổng cộng tầm một triệu. Con gái tôi học trường công, mỗi tháng cũng chỉ tốn chưa tới 3 triệu tiền học phí, ăn uống và các hoạt động ngoại khóa. Trừ tiền ăn tầm 3-4 triệu, các khoản phát sinh và mua sắm khoảng 2 triệu, mỗi tháng tôi vẫn để ra được 3-4 triệu. Tôi tiết kiệm gửi góp đều đặn 2 triệu một tháng và không động gì vào phần này, đề phòng cho những việc khẩn cấp. Nếu còn dư đồng nào, tôi cất riêng, để dành cho việc vui chơi cùng con gái

Khoản vay anh trai, tôi hứa sẽ trả trong hai năm, mỗi năm 50 triệu. Như vậy, một năm tôi có dư một khoản vài chục triệu sẽ dành cho đi chơi. Thấy tôi vẫn thường xuyên đưa con gái đi xem phim, ăn hàng, cứ vài tháng lại đi chơi trong nước, năm nào cũng ra nước ngoài một lần ở các vùng lân cận, khi thì một mình, lúc với con, nhiều người quen cũng thắc mắc. Có người nói sao tôi không dồn tiền lo trả xong sớm hết nợ đi để khỏi chịu tiền lãi. Như vậy, khi hết nợ rồi, tiền là của mình hết, lúc ấy thích ăn thích chơi đều thoải mái hơn. 

Tôi thì nghĩ khác. Trải qua một lần đổ vỡ hôn nhân, chứng kiến nhiều người thân, bạn bè gặp chuyện bất trắc, tôi thấy cuộc sống cần được trân trọng ngay ở khoảnh khắc hiện tại. Tại sao tôi phải vội trả nợ? Nếu nhịn vui, nhịn chơi vài năm, liệu sau đó tôi có còn cơ hội mà tận hưởng? Con tôi mỗi tuổi cũng sẽ mỗi khác. Nó đâu có đợi chờ tôi được. Tôi muốn được trải nghiệm nhiều niềm vui hơn với cháu ngay, bù đắp những năm đầu đời chịu bao thiệt thòi khi bố mẹ lục đục, gây nhau. 

Tất nhiên, chưa dư dả gì thì tôi cũng phải chọn cách ăn, chơi sao cho không quá tốn kém. Mẹ con tôi thường chọn đi xem phim vào các ngày được khuyến mãi trong tháng, giá vé chỉ rẻ bằng một nửa. Chúng tôi cũng tham gia nhiều nhóm hội nên thường đi chung với mọi người tới các vùng, miền là quê hương của các thành viên nên đỡ được các chi phí. Tôi có cả nhóm bạn thừa kinh nghiệm canh vé giá rẻ nên đi du lịch không phải là điều gì xa xỉ. 

Hiện tại là năm thứ 3 trả góp vay mua nhà, mỗi tháng tôi chỉ cần nộp 5 triệu đồng. Tôi cũng đã trả xong nợ anh trai. Vì thế, số tiền dành cho tiết kiệm và vui chơi của tôi lại lớn thêm chút. Tôi không có ý định đổi nhà to hơn, cũng chẳng có nhu cầu mua xe nên cuộc sống cứ thế thong thả trôi. 

Tôi chỉ thấy mình thực sự may mắn khi vay được khoản lãi suất thấp nên áp lực trả nợ không lớn. Nhiều bạn bè tôi nói rằng nợ là một áp lực nên họ cần cố gắng để thoát khỏi nó càng sớm càng tốt bằng cách hy sinh các nhu cầu hiện tại. Tôi lại thấy sau khi lựa chọn kéo dài thời gian trả nợ thì tôi bớt hẳn stress và hạnh phúc với những gì mình đang có. Tôi có thể sẽ cố gắng để trả nợ trước hạn nhưng không phải càng nhanh càng tốt và bằng cách chắt bóp tất cả các nhu cầu hiện tại. 

Theo chuyên viên hoạch định tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê, (TP HCM), việc vừa có tiền tiết kiệm hay hưởng thụ trong quá trình trả nợ mà vẫn đảm bảo an toàn tài chính là hoàn toàn có thể, dù thu nhập không quá cao. Theo ông, nếu chỉ so sánh giữa việc trả nợ và gửi tiết kiệm thì rất đơn giản: so lãi suất vay với lãi suất tiết kiệm (hoặc đầu tư). Bên nào lãi suất cao hơn thì ưu tiên cho bên đó.

Nhưng không dễ để có lãi suất vay ưu đãi thấp hơn lãi suất tiết kiệm, cho nên thường mọi người nên ưu tiên trả nợ. Dù vậy, bạn cũng nên chuẩn bị một khoản dự phòng ít nhất đủ sống 3 tháng. Khi vừa lo trả nợ, vừa có sẵn một khoản để dành, bạn sẽ đỡ căng thẳng và không rơi vào thế bí lúc gặp vấn đề nảy sinh cần đến tiền. 

Ông Bội Lê cho rằng, để cân bằng giữa các khoản tiết kiệm, hưởng thụ, trả nợ thì nên linh hoạt áp dụng phương pháp 6 cái lọ (55% thu nhập cho nhu cầu thiết yếu, 10% cho giáo dục, 10% cho hưởng thụ, 10% cho tự do tài chính, 10% cho tiết kiệm dài hạn, 5% giúp đỡ người khác). Bạn điều chỉnh tỉ lệ giữa 6 cái lọ này sao cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình và nhu cầu ưu tiên của mình. 

Tốt hơn nữa là nên thực hành việc phân chia "6 cái lọ" này từ trước khi vay. Lúc đó, bạn phải ngồi cân nhắc xem sẽ bớt bao nhiêu từ lọ nào để có tiền trả nợ và từ đó xác định được kế hoạch trả trong bao lâu thì hợp lý.

Nếu tính cẩn thận như trên thì trong khi trả nợ vẫn có thể một phần dành cho hưởng thụ, giúp đỡ người khác và chính những việc này sẽ giúp tâm lý bạn thoải mái hơn, tạo cơ hội tái tạo năng lượng và khả năng lao động.

Bảo Ngọcghi

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment