Tết Dương lịch chỉ còn vài ngày nữa sẽ đến. Nhiều gia đình sẽ sum họp và ở các địa phương sẽ không thiếu phần mổ lợn ăn Tết. Đáng ngại nhất là nhiều gia đình vẫn còn thói quen phải có món tiết canh khi mổ lợn. Đây là nguy cơ của bệnh liên cầu khuẩn lợn.
Ăn tiết canh là nguyên nhân chính làm mắc liên cầu khuẩn lợn. Ảnh minh họa. |
Chia sẻ với chúng tôi, anh Bùi Văn Thành (Phúc Thọ, Hà Nội) cho rằng, nếu mổ lợn thì món tiết canh được coi là “món chính”. Trước câu hỏi, anh có sợ ăn tiết canh sẽ bị mắc liên cầu khuẩn lợn? Anh Bùi Văn Thành khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Lợn nhà nuôi, khỏe, mình tự mổ. Lợn ốm ai lại mổ cho họ hàng ăn. Lợn khỏe thì ăn tiết canh vô tư!”.
Trái ngược với sự tự tin của nhiều người, trao đổi với PV, bác sĩ Phạm Đình Tuần, bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cơ sở II, cho biết, lợn nhà nuôi vẫn mắc liên cầu khuẩn lợn như thường.
Bản thân bác sĩ cũng từng điều trị cho một người đàn ông bị viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn. Bệnh nhân cho hay, dù biết là bệnh liên cầu khuẩn lợn có thể xâm nhập vào cơ thể do ăn tiết canh lợn nhưng họ vẫn ăn vì đó là lợn nhà nuôi. Họ tin rằng lợn nhà nuôi thì ăn tiết canh yên tâm không lo mắc.
Theo các chuyên gia y tế, liên cầu khuẩn lợn thường cư trú ở vùng họng con lợn mà không gây bệnh (lợn lành mang trùng) và gây bệnh ở những con lợn yếu.
Với lợn nhiễm liên cầu khuẩn (cả lợn lành mang trùng và lợn bệnh) trong máu (tiết) và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn (có khả năng sống được 10 phút ở nhiệt độ 600C). Nếu các thực phẩm như tiết canh, nem chua, nem chạo... không được nấu chín kỹ, người ăn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
Bác sĩ Tuần nhấn mạnh, các phương tiện truyền thông, ngành Y tế đã nói rất nhiều về sự nguy hiểm khi sử dụng thực phẩm tái sống như tiết canh, nem chua nếu lợn mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn. Để phòng bệnh, người dân cần nói không với tiết canh, nói không với thịt lợn chưa được nấu chín.
No comments:
Post a Comment