Âm thanh lạ từ sao Thổ khiến các nhà khoa học NASA bối rối
Các nhà khoa học NASA sử dụng cảm biến trên tàu để đo lượng bụi ở khu vực "The Big Emty" hôm 26/4, sau đó chuyển dữ liệu đo mỗi hạt bụi va chạm với cảm biến thành âm thanh, theo RT. Kết quả là một loạt tiếng kêu răng rắc, lạo xạo và tiếng huýt sáo nghe như đến từ thế giới khác.
Đoạn ghi âm khởi đầu bằng một tiếng lạo xạo, nhưng nhiều tiếng ồn khác như tiếng gió rít và tiếng bíp xa xăm cắt ngang. Mỗi tiếng huýt sáo và tiếng rít là một sóng đơn trong môi trường chứa hạt mang điện tích mà thiết bị cảm biến Radio and Plasma Wave Science (RPWS) của Cassini được thiết kế để phát hiện. Nếu khu vực này chứa nhiều bụi hơn, mọi âm thanh sẽ bị át đi bởi tiếng răng rắc và tiếng nổ bốp khi các hạt va đập vào thiết bị.
Phân tích của nhóm nghiên cứu chỉ ra Cassini chỉ chạm phải vài hạt khi bay ngang qua khoảng trống. Những hạt này không lớn hơn hạt khói có kích thước khoảng một phần triệu mét. Điều này khiến các nhà khoa học cảm thấy khó hiểu bởi họ dự đoán khu vực chứa lượng bụi lớn hơn nhiều.
Tổng quan về tàu vũ trụ Cassini đang tiếp cận sao Thổ (). Đồ họa: Việt Chung. |
"Phát hiện hơi gây hoang mang một chút. Chúng tôi không nghe thấy những gì đã kỳ vọng mình sẽ nghe được", William Kurth, trưởng nhóm RPWS ở Đại học Iowa, cho biết. "Tôi nghe dữ liệu từ lần bổ nhào đầu tiên vài lần và có thể dùng bàn tay đếm số lần va đập với hạt bụi".
Earl Maize, quản lý dự án Cassini ở Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA tại Pasadena, California, cũng chung ý kiến. "Khu vực giữa sao Thổ và các vành đai rõ ràng là một khoảng trống lớn. Cassini sẽ duy trì hành trình trong khi các nhà khoa học tìm hiểu bí ẩn tại sao lượng bụi lại thấp hơn nhiều so với dự kiến", Maize cho biết.
Cú bổ nhào hôm 26/4 là lượt đầu tiên trong tổng số 22 lần bổ nhào xuống khu vực, với mục đích thăm dò độ khó khăn của hành trình. Dựa vào hình ảnh do Cassini cung cấp, mô hình môi trường hạt trong khu vực bề rộng xấp xỉ 2.000 km giữa sao Thổ và các vành đai chỉ ra nơi này không có những hạt bụi lớn gây nguy hiểm cho tàu vũ trụ.
Tuy nhiên, do chưa tàu vũ trụ nào bay xuyên qua khu vực trước đây, các kỹ sư trong dự án Cassini điều chỉnh ăng-ten đường kính 4 m xoay về hướng những hạt bụi bay tới, làm lá chắn bảo vệ những thiết bị dễ hỏng hóc.
Thiết bị RPWS trên tàu Cassini là một trong hai công cụ khoa học có cảm biến chĩa ra từ lá chắn ăng-ten. Thiết bị còn lại là từ kế chuyên dùng để phát hiện từ trường. Hiện nay, các nhà khoa học biết lượng bụi thấp tới mức bất ngờ, lần bổ nhào thứ hai diễn ra hôm 2/5 cùng phần lớn những cú bổ nhào còn lại có thể diễn ra mà không cần thiết bị bảo vệ.
Trong lần bổ nhào thứ hai, Cassini sẽ di chuyển qua hành tinh ở khu vực rất gần với nơi thực hiện cú bổ nhào đầu tiên. Trước nhiệm vụ, các máy ảnh của Cassini hướng về rất gần vành đai sao Thổ. Ngoài ra, tàu vũ trụ cũng xoay tròn nhanh hơn trước đây để hiệu chỉnh từ kế.
Mô phỏng hành trình cuối cùng của Cassini quanh sao Thổ
Tương tự như lần bổ nhào đầu tiên, tàu vũ trụ Cassini sẽ tạm ngừng liên lạc khi ở gần sao Thổ nhất. Dữ liệu do tàu thu thập dự kiến được truyền về sau một ngày. Các lần bổ nhào nằm trong hành trình "Chặng kết lớn" (Grand Final) của tàu trong điều kiện nguồn cung cấp nhiên liệu cho tàu giảm dần. Trong cú bổ nhào cuối cùng, tàu Cassini trị giá gần 3,3 tỷ USD sẽ kết thúc nhiệm vụ bằng cách lao thẳng xuống bầu khí quyển sao Thổ.
Phóng vào vũ trụ năm 1997, tàu Cassini ghi lại những hình ảnh chưa từng thấy trước đây về khí quyển sao Thổ và những mặt trăng ở lân cận, bao gồm nhiệt độ đại dương dưới bề mặt mặt của trăng Enceladus và dòng tia hình lục giác trên hành tinh.
Phương Hoa
No comments:
Post a Comment