Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã (SVW) cho biết, trong quá trình cứu hộ tê tê, không ít lần họ phải chứng kiến cảnh con vật chịu đau đớn do vết thương từ bẫy thút. Một vài vết thương còn ăn tận xương không thể cứu chữa, các chuyên gia buộc phải tiêu hủy nhân đạo để chấm dứt đau đớn. Một số khác may mắn hơn, được cứu chữa thành công nhưng không thể quay về với tự nhiên vì đã mất bản năng sinh tồn.
Chia lìa là tên một trong nhiều con tê tê mang vết thương sâu ở cổ không thể chữa lành trước khi về trung tâm. Tê tê không may mắn này được Trung tâm cứu hộ của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chuyển giao cho SVW ngày 29/10/2009. Nó bị bẫy thút cắt ngang cổ khiến 1/2 lưỡi bị đứt và một vết cắt dài, nghiêm trọng ở cổ họng. Sau quá trình dài vận chuyển trong điều kiện còn hạn chế, vết thương của nó bị hoại tử.
Dù các bác sĩ cùng chuyên gia của SVW đã phẫu thuật để cứu chữa, nhưng chú vẫn không thể ăn được. Nó nhọc nhằn liếm chút nước với cái lưỡi ngắn còn lại thông qua lỗ vết thương ở cổ họng.
"Chúng tôi dần chấp nhận sự thật nó không thể qua khỏi. Nhưng rồi một tia hy vọng lóe lên khi phát hiện nó đang mang thai và gần đến kỳ sinh nở", chị Hồ Thị Kim Lan, quản lý giáo dục và nâng cao nhận thức SVW nhớ lại.
Tê tê Chia lìa. Ảnh: SVW. |
Sức khỏe rất yếu, nhưng cũng như tất cả "bà mẹ" vĩ đại khác, với sự can đảm, tê tê đã cố gắng sinh con với hy vọng mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho đứa con. Không may, vừa chào đời, tê tê con không thể qua khỏi. Sau hôm đó, Trung tâm buộc tiêu hủy nhân đạo để chấm dứt nỗi đau và sự chia lìa của hai mẹ con.
Tê tê R.i.p cũng chịu số phận tượng tư như Chia lìa. R.i.p được cứu hộ về SVW ngày 4/10/2016. Giống Chia lìa, R.i.p bị thương rất nghiêm trọng, hoại tử sâu ở chân trước do dính bẫy thút. Nó gặp trở ngại lớn khi di chuyển trong chuồng, nó chỉ có thể lết đi rất chậm chạp.
Vết thương cũng khiến tê tê đau đớn đến nỗi không thể ăn và ngủ. Dù không muốn, nhưng các bác sĩ thú y của SVW đành tiêu huỷ nhân đạo bởi không còn khả năng chữa trị và không muốn R.i.p phải chịu đau hơn nữa.
Tê tê bị hoại tử sâu bên trong. Ảnh: SVW. |
Chị Lan cho biết, không ít lần các cán bộ của trung tâm phải chịu đựng việc tự tay chấm dứt nỗi đau cho các cá thể tê tê bằng cách tiêu hủy nhân đạo.
"Sự mất mát trên trở thành động lực để chúng tôi nỗ lực đấu tranh chấm dứt nạn buôn bán, săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã - thủ phạm cướp đi sự sống của những sinh vật này", chị Lan nói.
(Xem thêm: Video hai mẹ con tê tê quấn quýt)
Hàng năm, trên thế giới có hơn 100.000 con tê tê bị săn bắt trái phép làm thực phẩm và thuốc đông y, dù chưa có bất kỳ nghiên cứu khẳng định giá trị chữa bệnh của vảy tê tê. Trong quá trình vận chuyển và buôn bán trái phép, loài này hầu hết đều bị thương do bẫy, thậm chí mất một phần cơ thể và suy kiệt do không được cho ăn, uống và chăm sóc đúng cách. |
Hà Trung
Video: SVW
No comments:
Post a Comment