Thursday, May 4, 2017

Số ngày không khí 'rất có hại' ở Hà Nội gia tăng

so-ngay-khong-khi-rat-co-hai-o-ha-noi-gia-tang

Lượng xe cộ lớn là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Trong ba tháng đầu năm 2017, chất lượng không khí ở Hà Nội có cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, số ngày chất lượng không khí ở mức "rất có hại cho sức khỏe" lại gia tăng, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID), tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam được thành lập dưới Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), chiều qua cho biết trong cuộc thảo luận do Đại sứ quán Mỹ tổ chức.

Đây là một phần trong nghiên cứu về chất lượng không khí Việt Nam do GreenID thực hiện. Trong quý I năm nay, Hà Nội có 37 ngày có nồng độ PM 2.5 trong 24 giờ cao hơn so với giới hạn Quy chuẩn Quốc gia (50 μg/m3), và 78 ngày vượt quá giới hạn theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 25 μg/m3.

Theo bà Khanh, trong ba tháng đầu năm, chất lượng không khí ở Hà Nội dần cải thiện nhưng vào những ngày cao điểm chất lượng không khí vẫn ở mức rất có hại cho sức khỏe. Vào ngày 15/2, nồng độ PM 2.5 trung bình đạt 234 μg/m3, vượt quá gần 5 lần Quy chuẩn Quốc gia và gấp 10 lần theo hướng dẫn của WHO.

Đáng chú ý, mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái, chất lượng không khí ở TP HCM có xu hướng kém đi, nhưng vẫn tốt hơn ở Hà Nội. TP HCM có 6 ngày nồng độ PM 2.5 vượt quá Quy chuẩn Quốc gia (50 μg/m3), thấp hơn 31 ngày so với Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn có đến 78 ngày cao hơn so với tiêu chuẩn của WHO (25 μg/m3).

Với thực trạng chất lượng không khí ở hai thành phố lớn có dữ liệu đáng lo ngại, bà Khanh nêu ra một số đề xuất, trong đó có việc Việt Nam cần có luật và quy định về không khí sạch, giảm phát thải khí CO2 và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius dẫn lại đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) rằng ô nhiễm không khí là nguyên nhân đứng thứ 4 dẫn tới nguy cơ tử vong sớm trên toàn cầu. Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm của Mỹ là có thể giảm thiểu ô nhiễm không khí đáng kể và đồng thời phát triển kinh tế. Từ năm 1970 - 2014, lượng khí thải của Mỹ giảm trung bình 69% đồng thời GDP tăng 238%.

Sự kiện hôm qua diễn ra nhân kỷ niệm Tuần lễ Nhận thức về chất lượng không khí Mỹ.

Việt Anh

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment