Sự việc một cô gái người Trung Quốc phải nhập viện khẩn cấp để gắp bỏ dòi trong chân sau khi cô bị côn trùng cắn trong chuyến đi du lịch ở rừng Amazon (Nam Mỹ) khiến dư luận bàng hoàng. Hiện tại, đang vào mùa du lịch, nỗi lo bị côn trùng “tấn công” khiến nhiều người e ngại khi lựa chọn những điểm du lịch mang tính khám phá.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương, tình trạng khách đi du lịch bị côn trùng đốt diễn ra khá phổ biến. “Tùy theo loài côn trùng, liều lượng nọc độc và cơ địa của mỗi người mà biểu hiện tổn thương khác nhau, mức độ nguy hiểm cũng khác nhau. Khi bị côn trùng có nọc độc cắn, đốt ngoài, tổn thương có thể xuất hiện ngay tại vết cắn ngoài da. Nghiêm trọng hơn, nạn nhân còn có dấu hiệu bị ngộ độc toàn thân do nọc độc xâm nhập lan tỏa trong cơ thể. Tại vết cắn, chích, đốt, nạn nhân thường đau, có thể sưng tấy đỏ, cần chú ý tìm ngòi côn trùng còn cắm vào da”, BS Cấp khuyến cáo.
Con dòi làm tổ trong chân cô gái người Trung Quốc. (Ảnh Daily Mail) |
Các chuyên gia y tế tư vấn, đối với trường hợp phản ứng chỉ khu trú tại chỗ thường không đòi hỏi điều trị, vùng sưng nề sẽ tự biến mất sau vài giờ mà không để lại di chứng.
Trong trường hợp có phản ứng lan tỏa tại chỗ, vùng bị côn trùng đốt nên được chườm lạnh. Có thể sử dụng thuốc kháng histamine (loratadin, cetirizin...) và corticosteroid (prednisolon, methylprednisolon...) đường uống hoặc tiêm truyền, nên được dùng sớm ngay khi có thể để giảm nhanh triệu chứng, việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết.
Riêng trường hợp bị kiến lửa đốt, sau 1 ngày, vết đốt thường tạo thành mụn mủ nhỏ do hoại tử tổ chức, cần lưu ý không làm vỡ mụn mủ này để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Những phản ứng dị ứng mang tính toàn thể bắt buộc phải được điều trị tại cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Những biểu hiện nhẹ nhất như nổi mề đay, ban đỏ cũng cần được xử trí sớm bằng adrenalin để ngăn ngừa những diễn biến xấu sau đó. Đối với trường hợp ngòi của côn trùng còn nằm trong da, cần nhẹ nhàng lấy ra và tránh làm vỡ túi chứa nọc. Điều này tốt nhất nên được tiến hành ngay sau khi bị đốt.
Riêng đối với ong đốt, nếu trên 10 vết đốt hoặc vết đốt ở vùng đầu (không bóp nặn vết đốt), hoặc có biểu hiện đỏ da, mề đay, ngứa lan rộng toàn thân, theo dõi phát hiện các dấu hiệu dị ứng, nhiễm độc hoặc bị đốt ít nhưng nạn nhân đau nhức, buồn nôn/nôn mửa, hốt hoảng, bồn chồn, kích thích vật vã, tức ngực, khó thở... cần chuyển ngay đến bệnh viện gần nhất.
Lưu ý khi đi du lịch, dã ngoại:
Khi đi dã ngoại, tới các vùng có nhiều cây cối, bụi rậm bạn nên chọn quần áo gần với màu da mình. Trang phục không nên quá nổi bật so với môi trường bên ngoài để tránh côn trùng vây quanh nhiều hơn.
Nếu vào rừng, để tránh bọ chét, du khách mặc trang phục càng kín và dày càng tốt vì chúng có hàm răng ngắn sẽ không thể cắn xuyên qua quần áo như muỗi được.
Không nên mặc đồ bó sát người vì các loại côn trùng dễ tiếp xúc tới da. Một số loài rất nhạy cảm với mùi từ chân người, do đó bạn nên dùng loại tất có khả năng thấm hút nhanh mồ hôi, tránh tạo mùi kích thích côn trùng.
Nên mang theo kem Soffell (chống muỗi), thuốc DEP bôi quanh tất, giày (chống vắt), thuốc xịt Chuchu Baby (chống côn trùng). Bên cạnh đó bạn có thể mang một chai nước muối loãng để thoa chân. Khi bị vắt, đỉa cắn, hãy lấy nước muối nhỏ lên, chúng sẽ nhả ra đồng thời giúp sát trùng vết thương.
Ban đêm là lúc côn trùng dễ tấn công hơn cả. Vì vậy, khi đi dã ngoại bạn nên mang theo nến cây, nhất là loại có chiết xuất tinh dầu giúp ngăn chặn côn trùng xâm nhập không gian của bạn.
N.Giang
No comments:
Post a Comment