Wednesday, May 10, 2017

Cảnh báo trẻ bị một trầy xước nhỏ cũng dễ bị nhiễm uốn ván

VTV thông tin, khoa Cấp cứu - Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn (bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM) hiện đang điều trị cho hơn 20 trường hợp mắc uốn ván nặng, tăng mạnh so với vài năm trước. Hầu hết, bệnh nhân chủ quan xử lý tại nhà khi bị những thương tích nhỏ do tai nạn giao thông hoặc trong lao động.

Hầu hết các bệnh nhân bị uốn ván đưa vào bệnh viện đều chưa tiêm ngừa nên bệnh mới nặng như vậy. Biến chứng nguy hiểm nhất của uốn ván là gây suy hô hấp, tử vong sớm hoặc biến chứng muộn hơn là trụy tim mạch, rối loạn thần kinh thực vật dẫn đến tử vong.

Mới đây, bé Anh Nam (quận Thủ Đức, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng mê man, co giật, tay chân co cứng. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định Nam mắc uốn ván thể nặng, có biểu hiện rối loạn thần kinh phải mở khí quản hỗ trợ thở máy và điều trị cách ly tích cực. Hơn 1 tuần điều trị nhưng tiên lượng vẫn dè dặt.

Có thể nhiễm uốn ván từ một trầy vết xước nhỏ (Ảnh minh họa).

Trước đó, một bé sơ sinh hơn 10 ngày tuổi (ở xã Yang Réh, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) bị uốn ván do bà đỡ cắt rốn bằng dao lam, Giám đốc trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, đây là trường hợp thứ 3 xảy ra trên địa bàn từ đầu năm đến nay, trong đó có 2 trường hợp tử vong, 1 trường hợp nguy kịch. Cả 3 trường hợp đều là con của các bà mẹ là người dân tộc thiểu số, thực hiện sinh đẻ tại nhà, người mẹ không được tiêm phòng vắc-xin uốn ván.

Các chuyên gia y tế tư vấn, phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần đi tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh uốn ván, tuyệt đối không sinh đẻ tại nhà mà cần đến các cơ sở y tế, đảm bảo an toàn cho bà mẹ và trẻ em.

Các bác sĩ khuyến cáo, co cứng cơ hàm là biểu hiện nhẹ của bệnh uốn ván ở tuần đầu tiên. Sau đó, diễn biến bệnh tăng dần, dẫn đến co cứng cơ vùng mặt, vùng cổ. Ở tuần thứ 2, người bệnh có biểu hiện co cứng toàn thân, xuất hiện co giật. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị tử vong.

Nếu được điều trị tốt, sau tuần thứ ba, bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn uốn ván mới lui dần. Do đó, thời gian điều trị tối thiểu với mỗi trường hợp uốn ván là 1 tháng. Tại các bệnh viện, trung bình mỗi năm có tới hàng trăm ca mắc uốn ván, hầu hết là nam giới và người cao tuổi.

BS. Nguyễn Trung Cấp (bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương) cho biết, khác với các bệnh có vắc-xin phòng ngừa khác, vắc-xin uốn ván không có khả năng miễn dịch bền vững, người đã mắc uốn ván vẫn có khả năng mắc lại nhiều lần. Vì vậy, khi bị những vết trầy xước dù nhỏ, người dân cũng nên đến cơ sở y tế tiêm vắc-xin uốn ván trong vòng 24h để tránh biến chứng.

Các bác sĩ khuyến cáo, vì bệnh uốn ván là tình trạng nhiễm khuẩn nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao, người có nguy cơ mắc bệnh cần phải tiêm phòng. Vắc-xin uốn ván có tác dụng phòng bệnh trong ít nhất 10 năm.

N.Giang

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment