Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt cho biết, hệ thống cụm rạp CGV nhiều lần vi phạm luật cạnh tranh ở cả Việt Nam và Hàn Quốc.
Sau những lùm xùm, mâu thuẫn giữa hai cụm rạp BHD và CGV về việc phân chia tỷ lệ doanh thu phòng vé chiếu phim Việt nói chung và phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể nói riêng, Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam đã chính thức lên tiếng.
Cơ quan này cho rằng, CGV là đơn vị có tỷ lệ phòng chiếu lớn trên thị trường nên ép các doanh nghiệp khác về tỷ lệ ăn chia là vấn đề có thực, khiến nhiều đối tác bất bình.
Rạp CGV bị cho là không chỉ chèn ép doanh nghiệp Việt trên đất Việt mà tại chính quê hương Hàn Quốc của mình, đơn vị này cũng vi phạm luật cạnh tranh, từng bị xử phạt. |
"Tỷ lệ chia sẻ doanh thu tại cụm rạp CGV áp dụng cho các nhà sản xuất Việt Nam (không do công ty thành viên của CGV là CJ E&M đầu tư sản xuất hoặc không do CGV phát hành) trong thời gian gần đây càng ngày càng đi xuống. Cụ thể từ khoảng năm 2008 trở về sau, hầu như tất cả các rạp chuẩn (Lotte, CGV, Galaxy, BHD, Platinum ...) đều có mức tỷ lệ ăn chia bằng nhau. Tuy nhiên trong khoảng hơn một năm gần đây, tỷ lệ này riêng tại cụm rạp CGV ngày càng bị ép giảm dần. Đến năm 2015 thì doanh thu ăn chia cho phim Việt của các nhà sản xuất/nhà phát hành khác không phải CGV tại hệ thống rạp của CGV bị giảm bình quân khoảng từ 15% đến 25% trong khi tỷ lệ cũ vẫn được CGV đòi áp dụng cho phim của mình tại các hệ thống rạp khác, cũng như tỷ lệ cũ vẫn được các doanh nghiệp khác trong ngành áp dụng", Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt nêu bằng chứng.
Hiệp hội cho biết, ngoài phim Tấm Cám, trước đó, một số phim của các nhà phát hành khác cũng không được chiếu tại rạp CGV vì tỷ lệ ăn chia dành cho nhà sản xuất phim quá thấp so với phần chủ rạp được hưởng. "Tấm Cám: Chuyện chưa kể chỉ là một giọt nước tràn ly", đại diện Hiệp hội chia sẻ. Phía cụm rạp BHD và hãng phim Sóng Vàng, đại diện cụm rạp MegaS cũng cho rằng CGV có hành vi "cá lớn nuốt cá bé" nhưng các đơn vị này luôn giữ thái độ ôn hòa, cô gắng xây dựng quan hệ lành mạnh và nhiều lần nỗ lực đàm phán để có tỷ lệ ăn chia hợp lý và công bằng với CGV. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác CGV đã không hợp tác.
Phim 'Tấm Cám: Chuyện chưa kể' là giọt nước tràn ly, khiến Ngô Thanh Vân buộc phải lên tiếng, đòi công bằng cho nhà sản xuất phim. |
Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt còn tiết lộ, không chỉ tại Việt Nam mà ngay trên chính quê hương Hàn Quốc của mình, CGV đã nhiều lần bị xử phạt vì hành vi lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường, chèn ép các nhà sản xuất khác của Hàn Quốc. "Ủy ban thương mại công bằng Hàn Quốc (KFTC) đã điều tra, xử phạt CGV ít nhất là 5 lần. Ngay thời điểm này, khi đang bị các doanh nghiệp điện ảnh Việt khiếu nại thì tại Hàn Quốc, CGV phải đối mặt với việc sắp bị KFTC ra quyết định xử phạt, trong đó không loại trừ xem xét trách nhiệm hình sự, đối với các giao dịch nội bộ, ưu đãi quá mức mà CGV dành cho công ty liên kết của mình. Từ năm 2010, khi CGV còn mang tên cũ là Megastar đã bị cơ quan chức năng điều tra về hành vi chèn ép, vi phạm luật cạnh tranh. Đến năm đơn vị này mới chịu thừa nhận vi phạm và cam kết không tái phạm trong tương lai", Hiệp hội chia sẻ.
Cụm rạp BHD là đơn vị đầu tiên lên tiếng về mâu thuẫn với CGV. |
Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt khẳng định luôn cởi mở, hợp tác quốc tế với tất cả doanh nghiệp nước ngoài nhưng hy vọng CGV là một doanh nghiệp lớn cần hành xử có trách nhiệm và văn hóa, không "cậy lớn ức hiếp nhỏ", chặn đường phát triển của các doanh nghiệp khác trong ngành điện ảnh, đặc biệt là các doanh nghiệp trên đất Việt, nơi CGV đang kinh doanh.
Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam cho biết sẽ gửi các thông tin về việc CGVbị khiếu nại vi phạm luật cạnh tranh lên cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định. "CGV hay bất kỳ doanh nghiệp điện ảnh có vị trí lớn nào cũng cần hoạt động theo tinh thần tôn trọng luật pháp, theo quy định tại luật đầu tư, luật cạnh tranh và các quy định khác mà nhà nước đã đưa ra và phù hợp với các công ước quốc tế. Hiệp hội cũng đang làm việc với các cơ quan chức năng để xin hướng dẫn và tìm phương hướng cùng chung sức xây dựng thị trường sản xuất, phát hành, rạp chiếu phim điện ảnh và các trung tâm phát hành và phổ biến phim toàn quốc có một sân chơi công bằng. Các biện pháp pháp lý cần thiết sẽ được cân nhắc sử dụng để có thể đảm bảo các doanh nghiệp điện ảnh tại Việt Nam không bị chèn ép trái pháp luật, góp phần bảo vệ và phát triển nền Điện ảnh Việt Nam", đại diện Hiệp hội khẳng định.
Trung Nguyễn
No comments:
Post a Comment