Không phải tạnh mưa đã hết khổ
Ngày 22/7, thời tiết Hà Nội nắng ráo nhưng tại Đại lộ Thăng Long, đoạn giao với đường Lê Trọng Tấn (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), vẫn chìm trong biển nước. Người dân đi lại vẫn rất khó khăn, theo báo Lao động.
Còn tại khu đô thị mới Lê Trọng Tấn – Geleximco, nơi được ví là làng biệt thư triệu đô, những căn nhà vẫn ngập trong nước, theo Tri thức trẻ.
Do tình cảnh ngập sâu, từ 0.7-1m, người dân vẫn phải di chuyển bằng thuyền để ra phố. Theo những người dân ở đây, tình trạng ngập nặng tại đây năm nào cũng xảy ra. Hầu hết các hộ dân đều phải sắm riêng máy bơm để hút nước tràn vào hầm khi mưa to nhưng cũng hầu như phải bất lực trước lượng mưa lớn và kéo dài.
Đến tôi qua, khu đô thị Nam An Khánh nằm cạnh Thiên đường Bảo Sơn (Hà Nội) vẫn bị ngập nặng. Cư dân ở khu đô thị này cho biết hệ thống thoát nước ở khu vực này rất kém, lần nào ngập cũng mấy ngày sau mới rút, theo Zing.
Trong khi đó dọc các hầm chui đại lộ Thăng Long, cảnh lội bì bõm vẫn diễn ra khá nhiều. Có những lối bắt buộc phải chui qua vì hầm nào cũng ngập, người dân không có lựa chọn khác.
Hà Nội cứ mưa to là ngập
Báo Dân Việt đưa tin, trả lời câu hỏi, vì sao Hà Nội đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng, nhưng cứ “mưa to là đường phố lại ngập”? Lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, cuối năm 2016, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 đã hoàn thành, song mới chỉ giải quyết được áp lực thoát nước cho lưu vực sông Tô Lịch rộng 77,5km2. Còn toàn bộ khu vực phía Tây và Tây Nam TP thuộc lưu vực sông Nhuệ chưa được đầu tư; việc thoát nước chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống kênh, mương nông nghiệp.
Liên quan đến vấn đề trên, nhiều chuyên gia cho biết, nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng úng ngập; của việc Hà Nội cứ mưa to là ngập bắt nguồn từ lỗ hổng quy hoạch. Đó là quy hoạch cốt nền đô thị, một khi quy hoạch cốt nền tốt, tạo không gian cho mạng lưới thoát nước thì vấn đề úng ngập của Hà Nội sẽ được giải quyết căn bản.
Bên cạnh đó, việc ao hồ bị lấp quá nhiều, ít có hệ thống hồ điều hòa cho nên chỉ cần mưa thì nhiều tuyến phố Thủ đô Hà Nội sẽ lâm vào tình trạng úng ngập vì không có điểm thoát nước, chứa nước.
Với tình hình hiện nay, ông Nguyễn Thế Khải - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quy hoạch và Kiến trúc Việt Nam nhận định, TP.Hà Nội sẽ còn tiếp tục “chìm” nếu ngành chức năng không có các giải pháp triệt để.
Theo ông Khải, để “giải cứu” Hà Nội bị ngập trong mưa lớn, TP phải giữ được các hồ nước hiện có và có thể mở rộng thêm một số hồ nước; hệ thống thoát nước phải làm tốt hơn, các đường cống phải tính được đủ lưu lượng chứa thay cho các hồ điều hòa đã mất, tránh tình trạng quá tải cho hệ thống thoát nước; các trạm bơm cũng phải được thiết lập quá để giải quyết tình trạng úng ngập cục bộ.
Được biết, Sở Xây dựng Hà Nội nhận định, năm 2017 Hà Nội còn 16 điểm úng ngập cố hữu khi xảy ra mưa lớn cường độ trên 50mm. Mùa mưa năm nay đã xóa được 3 điểm, nhưng lại phát sinh một số điểm khác ở khu vực vùng ven, vành đai hoặc mới đô thị hóa.
Mới đây, Công ty Thoát nước Hà Nội đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các điểm ngập nặng. 16 camera giám sát được lắp đặt ở các quận Hoàn Kiếm và Ba đình nhằm kiểm soát các điểm có nguy cơ ngập úng.
No comments:
Post a Comment