Thông tin từ bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hóc dị vật là tai nạn rất hay xảy ra với trẻ nhỏ. Từ đầu mùa Hè đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị rất nhiều ca bị hóc di vật như: hạt ngô, lạc, hạt vải…
BS Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu, BV Nhi Trung ương cho biết, cách đây vài ngày, trong ca trực của ông đã tiếp nhận một ca cấp cứu được chuyển lên từ Nam Định.
Đó là trường hợp một bé trai 2 tuổi được chú cho ăn nhãn cả quả. Trong lúc ăn, bé cười nên bị sặc, quả nhãn trở thành vật gây hóc. Hội chứng xâm nhập biểu hiện khá rõ, tức là có dị vật đi vào bên trong đường thở, trẻ ho sặc sụa, tím tái.
Ngay lúc đó, gia đình đã sơ cứu ban đầu và chuyển bé lên bệnh viện huyện, và chuyển lên bệnh viện tỉnh rồi cuối cùng đưa xuống bệnh viện Nhi Trung ương.
BS Toàn cho biết, trường hợp của cháu bé này được đưa đến bệnh viện kịp thời và chúng tôi gắp được ra cả một quả nhãn to chặn ở đường thở. Tuy nhiên, cháu bị di chứng ở não do thiếu ôxy. Ban đầu nếu cháu được sơ cứu tốt hơn thì có thể đã không để lại di chứng.
Cũng theo BS Toàn, việc sơ cứu ban đầu khi trẻ bị hóc dị vật khá đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng cách sẽ có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Và ngay sau khi sơ cứu ban đầu, bệnh nhân vẫn còn thở được thì hãy đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để xử lý.
Theo đó, BS cũng hướng dẫn các bước thực hiện sơ cứu trẻ hóc dị vật đường thở như sau:
Nếu như trẻ ho được có nghĩa là bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo, xử lý bằng cách vỗ lưng và ấn ngực:
Biện pháp vỗ lưng: Tùy vào độ tuổi của trẻ mà lựa chọn cách phù hợp.
Với trẻ lớn, cho nạn nhân đứng, cúi đầu chúi xuống, miệng há ra. Người sơ cứu đứng ở một bên nạn nhân, 1 tay đỡ ngực nạn nhân, 1 tay vỗ mạnh vào lưng 5 lần ở vị trí giữa hai xương bả vai của nạn nhân. Lực hướng từ trên xuống dưới.
Hoặc người sơ cứu ngồi trên ghế tựa, để trẻ lên đùi, chúi đầu xuống, há miệng ra. Một tay đỡ cằm cổ nạn nhân, còn 1 tay vỗ mạnh vào lưng 5 lần ở vị trí giữa hai xương bả vai của nạn nhân. Lực hướng từ trên xuống dưới.
Quan sát xem dị vật đã được đẩy ra chưa. Nếu chưa, tiến hành biện pháp ấn ngực.
Với trẻ nhỏ, đặt trẻ nằm sấp lên cánh tay, hướng nghiêng xuống mặt đất, một tay tiến hành vỗ mạnh vào lưng 5 lần như trên.
Sau đó, quan sát xem dị vật đã được đẩy ra chưa. Nếu chưa, tiến hành biện pháp ấn ngực.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ tổn thương, cần nhanh chóng sơ cứu. Quan sát em bé xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa.
Biện pháp ấn ngực được thực hiện bằng cách như sau: lấy 2 ngón tay ấn vào vùng ½ của xương ức. Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.
Trường hợp còn lại là trẻ không ho được hoặc ho không có hiệu quả thì ngay lập tức thực hiện những bước sau:
+ Mở thông đường thở, nghe xem bệnh nhân có thở hay không
+Nếu bệnh nhân không thở, ngay lập tức tiến hành 2 lần hà hơi thổi ngạt, 15 lần ép tim.
Sau đó, tiến hành bắt mạch cho trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
No comments:
Post a Comment