Hà hơi thổi ngạt và ấn tim ngoài lồng ngực là hình thức sơ cứu quyết định mạng sống
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã cứu sống thành công một bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở do nhồi máu cơ tim cấp. Đây là điều khá bất ngờ và đáng mừng cho người bệnh.
Theo đó, bệnh nhân được tiếp nhận trong tình trạng tụt huyết áp phải dùng thuốc vận mạch, và đã được bệnh viện tuyến dưới tiến hành sơ cứu ngưng tim, ngưng thở, ấn tim ngoài lồng ngực trước khi chuyển tuyến.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã có những can thiệp bằng nghiệp vụ chuyên môn. Kết quả, sau 40 phút bệnh nhân đã được cứu sống trong tình trạng sức khoẻ dần ổn định. Điều đó cho thấy, sơ cứu kịp thời bằng thủ thuật ấn tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt sẽ là yếu tố quyết định mạng sống của bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở.
Tuy nhiên, với những trường hợp này nạn nhân thường chết nhanh chóng trong vài phút vì thiếu dưỡng khí, tức là não chỉ chịu được tình trạng thiếu ôxy trong khoảng 3 phút nên đây được xem là khoảng "thời gian vàng”.
Hầu hết, các trường hợp được cứu sống và hồi phục tốt, đều nhờ được sơ cứu kịp thời ngay tại hiện trường bằng hà hơi thổi ngạt và ấn tim ngoài lồng ngực.
Cách thức sơ cứu và những lưu ý khi hà hơi thổi ngạt, ấn tim ngoài lồng ngực
Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)
Khi xác định bệnh nhân đã ngưng tim ngưng thở, nên gọi người giúp đỡ và cấp cứu 115. Trong lúc này, đặt bệnh nhân nằm trên mặt phẳng cứng. Dùng tay loại bỏ dị vật, đàm nhớt trong miệng nạn nhân nhằm lưu thông đường thở.
Tiếp đến, thực hiện động tác ngửa đầu nâng cằm bằng cách một tay đặt trên trán, tay kia bám vào xương hàm dưới để xoay ngửa đầu nạn nhân.
Thực hiện sơ cứu hà hơi thổi ngạt bằng những thao tác sau: người sơ cứu quỳ ngang đầu nạn nhân, một tay bịt mũi, một tay ấn cằm để mở miệng nạn nhân ra. Hít thật sâu để thổi hơi vào miệng nạn nhân, rồi buông mũi và thả miệng để lồng ngực xẹp xuống.
Ấn tim ngoài lồng ngực được thực hiện bằng những thao tác: người sơ cứu quỳ ngang ngực nạn nhân, hai bàn tay chồng lên nhau đặt lên nửa dưới xương ức của nạn nhân, lưu ý tránh đặt vào mỏm mũi kiếm. Khuỷu tay phải thẳng, hai bàn tay luôn tiếp xúc với ngực nạn nhân khi ấn ngực và ấn sâu khoảng 3 – 4 cm.
Hai thao tác này được kết hợp lần lượt cùng nhau theo tỷ lệ:
+ 1 thổi hơi / 5 ấn ngực: khi có hai người sơ cứu
+ 2 thổi hơi / 15 ấn ngực: khi chỉ có một người sơ cứu
Trong quá trình thực hiện, cần kiểm tra mạch, đồng tử, màu da 10 phút một lần, nếu có mạch, đồng tử co lại, da bớt tím và hồng hào hơn tức là hồi sức có kết quả. Nhưng nếu sau ít nhất 30 phút, nạn nhân không có dấu hiệu tiến triển thì việc hồi sức không có tác dụng, khi đó người có thẩm quyền cao nhất tại hiện trường sẽ quyết định việc ngừng hồi sức hay không.
Bên cạnh đó, thao tác sơ cứu này cũng có những lưu ý nhất định mà người thực hiện sơ cứu cần nhớ như:
Khi thổi hơi mà lồng ngực nạn nhân phồng lên tức là thao tác đã thực hiện đúng, ngược lại nếu lồng ngực không phồng cần phải kiểm tra: đầu nạn nhân đã ngửa hay chưa, lưỡi có bị tụt không, hoặc đường thở có bị sót di vật không?
Khi thực hiện ấn ngực, cần lưu ý nhẹ tay tránh làm gãy xương ức nếu nạn nhân là người già và trẻ em. Sau khi sơ cứu, nếu thấy tim đập lại bình thường cũng đừng chủ quan, mà nên theo dõi kỹ nạn nhân vì sau khoảng 5- 10 phút, tim có thể ngưng đập trở lại.
No comments:
Post a Comment