Những ngày này người dân các tỉnh ven biển như Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa đang săn rươi - loài vật mang lại giá trị kinh tế cao với 100 triệu đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, số lượng rươi ngày càng giảm, do chúng kén môi trường sống và việc nhân nuôi không dễ.
Rươi có tên khoa học Tylorrhynchus heterochaetus, là động vật không xương sống, thuộc lớp giun nhiều tơ, nhiều nơi còn gọi là rồng đất. Có nhiều quan điểm về sự phân bố của rươi, nhưng số đông giới khoa học cho rằng chúng thường tập trung ở vùng nước lợ của các cửa sông ven biển Việt Nam.
Theo một công trình nghiên cứu về rươi của tác giả Nguyễn Quang Chương (Trung tâm Quan trắc - Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I), mùa sinh sản chính của rươi là tháng 5-6 (rươi chiêm) và tháng 10-11 (rươi mùa). Từ tháng 1 đến tháng 6, do thủy triều lên về đêm nên rươi di cư sinh sản ban đêm. Khi di cư chúng không nổi lên mặt nước mà đi chìm cách đáy 20-30 cm. Ngoài ra, rươi còn sinh sản rải rác vào các tháng trong năm.
Sự di cư của rươi chịu tác động của độ đục và độ mặn trong thủy triều. Bằng chứng là trong hai tháng 11 và 12 - khi độ mặn trong nước cao nhất thì cũng là lúc rươi đi sinh sản với số lượng nhiều nhất. Vì vậy sản lượng khai thác rươi trong hai tháng này rất lớn.
Trong công trình "Về một số đặc điểm sinh học và mùa vụ sinh sản của loài rươi ở vùng ven biển miền Bắc nước ta" (1999), tác giả Phạm Đình Trọng phát hiện rươi xuất hiện 6 tháng âm lịch trong năm gồm 4, 5, 9, 10, 11, 12 (tương đương các tháng 5, 6, 10, 11,12 và tháng 1 dương lịch). Tác giả cũng đề cập ba yếu tố liên quan đến sự xuất hiện của rươi là thời tiết, thủy triều và ánh sáng.
Giới chuyên gia cho rằng, số lượng rươi ngày càng giảm do bị khai thác triệt để vào mùa sinh sản để phục vụ nhu cầu của con người. Ảnh: Ngọc Thành. |
Hình thức sinh sản chính là điểm độc đáo của rươi. Nhiều người nghĩ rươi cũng như những loài trong họ nhà giun sinh sản vô tính bằng cách đứt đoạn để nhân ra các cá thể mới, nhưng kỳ thực ở rươi có sự tiếp nối của hai phương thức vô tính và hữu tính.
Tiến sĩ Lê Hùng Anh (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho biết, để tạo ra đàn rươi nổi lên bề mặt vào mùa sinh sản, rươi mẹ tự cắt cơ thể thành các cá thể hữu tính. Các cá thể này nhanh chóng tái sinh đầu, đuôi và chứa đầy các sản phẩm sinh dục, trong đó con cái chứa trứng, con đực chứa tinh trùng.
Trong khi rươi mẹ tái sinh đuôi và ở lại nền đáy thì các cá thể hữu tính với thân hình mập mạp chứa đầy sản phẩm sinh dục sẽ từ dưới đáy sông, đồng lúa, đầm cói chui ra và nổi lên thành đàn. Chúng vừa bơi vừa vặn mình để phóng thích trứng và tinh trùng vào môi trường nước. Sau khi phóng thích hết sản phẩm sinh dục thì cá thể hữu tính sẽ chết.
Tuy nhiên, khi chúng vừa nổi lên mặt nước đã bị con người thu vớt làm thực phẩm hoặc bị các loài tôm, cua, cá và chim nước chờ đón săn bắt. Dù vậy khi một cá thể sinh sản bị săn bắt, các vết đứt trên thân, trứng hoặc tinh trùng vẫn kịp thoát ra ngoài môi trường nước để sinh sôi nảy nở thế hệ tiếp theo.
Trứng sau khi thụ tinh với tinh trùng nhanh chóng phát triển qua các giai đoạn ấu trùng đặc trưng cho giun đốt là Trocophora. Sau một số lần biến thái, ấu trùng Trocophora chuyển thành Metatrocophora, sau đó là Nectochaeta và cuối cùng trở thành giun trưởng thành có cấu tạo cơ thể giống cá thể mẹ. Nhờ hoạt động bắt mồi tích cực ấu trùng có thể tích lũy mỡ trong cơ thể khiến chúng không bị chìm. Khi cơ thể phát triển đầy đủ giống với cá thể trưởng thành, mỡ dần mất đi, tỷ trọng cơ thể tăng lên chúng chìm dần xuống đáy và định cư ở đáy.
Khi nổi lên mặt nước, người xem sẽ thấy màu sắc của rươi khác biệt giữa cái và đực. Con cái có màu vàng nhạt, dài 60-90 mm, rộng 5-8 mm; con đực màu xanh, dài khoảng 60 mm, rộng 3-5 mm.
Rươi từ lâu đã trở thành món ăn bổ dưỡng và có giá thành cao lên đến hơn nửa triệu đồng một kilogam. Giới khoa học cho biết, số lượng loài ngày càng giảm, do nhu cầu về loài này ngày càng tăng, nên vào mùa sinh sản chúng được khai thác triệt để. Bên cạnh đó việc sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp đã làm giảm nguồn lợi rươi trong những năm gần đây.
>>
No comments:
Post a Comment