Có những cách ứng xử của bố mẹ không chỉ khiến họ khó giàu mà còn ảnh hưởng tới tương lai của con cái, theo Economictimes:
Cãi nhau về tiền
Hầu như vợ chồng nào cũng có lúc cãi nhau vì tiền nhưng đừng biến việc này thành thói quen và đừng làm việc đó trước mặt trẻ. Theo một nghiên cứu tại Mỹ, trẻ chứng kiến những cuộc cãi vã liên miên về tiền bạc của bố mẹ thì khi lớn hay dùng nhiều thẻ tín dụng và khó cân bằng tài chính. Khi tiền được xem là nguồn gốc của những bất đồng và lo âu, nó sẽ nuôi dưỡng những thói quen kém lành mạnh ở trẻ.
Cách tránh: Vợ chồng cố gắng thảo luận với nhau về tiền bạc khi con đi học hay đã ngủ say. Đừng biến cuộc nói chuyện đó thành trận chiến đổ lỗi hay chỉ trích cá nhân. Nên cố gắng đồng lòng để đạt được mục tiêu chung về tài chính.
Ảnh minh họa: PenFed Blog. |
So sánh với người khác
Nếu có bạn bè hay người thân giàu có hơn, bạn cũng đừng thể hiện sự ghen tỵ hay khó chịu trước mặt trẻ. Thái độ đó không chỉ khiến con đo thành công qua vật chất mà còn làm trẻ luôn cố cạnh tranh để được hơn người. Đây là một cuộc đua không thực tế và có thể ươm mầm nên những đứa trẻ muốn giàu có bằng mọi giá, kể cả dùng sự dối trá.
Cách tránh: Ngoài giải pháp đơn giản là không nói về sự giàu có của người khác, hãy nhấn mạnh tới nhu cầu cải thiện những phẩm chất tốt đẹp thay vì chỉ tập trung vào tiền bạc. Không chỉ cho con thấy những người giàu có về vật chất mà còn cho trẻ chứng kiến những thân phận đói khổ hơn trong xã hội.
Luôn trì hoãn thanh toán
Nếu bạn trì hoãn trả các hóa đơn hay thậm chí thỉnh thoảng còn quên, tránh các khoản phải trả hay lười không chịu đầu tư, bạn không chỉ đặt con cái trước các nguy cơ về tài chính trong tương lai mà còn gián tiếp nói với chúng rằng những việc đó là không quan trọng, chẳng cần ưu tiên.
Cách tránh: Ấn định một ngày trong tháng cần trả các hóa đơn hay thực hiện các giao dịch với ngân hàng.
Tiêu xài theo cảm hứng
Nếu bạn mua một cách ngẫu hứng dù khoản đó không nằm trong ngân sách hay sắm bất cứ thứ gì con đòi khi vào siêu thị thì bạn đang gửi đi một thông điệp rằng mình không nên trì hoãn sự thỏa mãn và chẳng cần phải kiên định với kế hoạch chi tiêu. Điều này có thể khiến trẻ trở thành người tiêu hoang hoặc dễ rơi vào nợ nần khi lớn lên.
Cách tránh: Đừng mua ngay thứ gì mình thích. Hãy đợi vài ngày hay một tuần, nếu bạn vẫn nghĩ mình cần và thứ đó không gây hại cho ngân sách thì mới mua. Điều này sẽ dạy trẻ biết quản lý tài chính tốt hơn trong tương lai.
Vương Linh
No comments:
Post a Comment