Thời điểm lý tưởng để quan sát Geminids là lúc trận mưa sao băng này đạt cực điểm vào đêm 13, rạng sáng 14/12. Nhưng thời điểm này lại trùng với trăng tròn nên gây bất lợi cho việc theo dõi vì ánh sáng của Mặt trăng sẽ gây lóa và che lấp lượng lớn sao băng. Dù vậy các chuyên gia thiên văn cho rằng người xem không nên bỏ qua hiện tượng thiên văn đáng chú ý này, bởi Geminids luôn là trận mưa sao băng lớn với số vệt trung bình mỗi giờ là 120.
Gemini (Song Tử) - tâm điểm của trận mưa sao băng Geminids. Kế bên cạnh đó là sao sáng Castor, Pollux. Ảnh: earthsky. |
Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch hội thiên văn học trẻ, người xem vẫn có thể chiêm ngưỡng Geminids vào trước cực điểm tức là đêm 12, rạng sáng 13/12 khi mặt trăng ở vị trí xa hơn.
Lúc này, người quan sát chỉ cần hướng mắt về chòm Gemini - tâm điểm của trận mưa sao băng - từ 22h đêm hôm trước tới sáng hôm sau để thấy vệt sao băng tỏa ra từ đây. Gemini sẽ mọc lên ở hướng đông vào lúc nửa đêm, lên đỉnh đầu khoảng 1h và sau đó đi dần về trời tây. Nó rất dễ nhận diện với hai sao sáng khác nằm kế bên là Pollux và Castor.
Khi chiêm ngưỡng, người xem không cần sử dụng bất cứ thiết bị quang học hỗ trợ, hay ống nhòm hoặc kính thiên văn mà chỉ cần bằng mắt thường.
Hình ảnh mưa sao băng Geminids trong năm 2015. Ảnh: earthsky. |
Người xem cũng cần chú ý đến thời tiết như trời không mưa hoặc không mây. Nếu có điều kiện, người xem có thể sắp xếp chuyến đi về vùng ngoại ô, cách xa trung tâm thành phố, nơi không có ánh sáng đèn đường, đèn xe.
Trước lúc quan sát, cần tránh nhìn vào vật sáng, nên để mắt trong bóng tối khoảng 20 phút, hạn chế tối đa việc bị ánh sáng nhân tạo chiếu thẳng vào mắt.
Xem thêm:
No comments:
Post a Comment