Thursday, December 3, 2015

Những tổ ấm chẳng có người ở các thành phố Trung Quốc

Xa con nhiều năm, cụ ông 77 tuổi ở Trung Quốc đã đăng báo xin gia đình khác cho ở nhờ, cốt để có người nói chuyện cùng.

"Tứ đại đồng đường" (bốn thế hệ chung một nhà) là một thành ngữ nổi tiếng của Trung Quốc, ngầm chỉ một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Hiện tại, việc có được hai thế hệ cùng chung sống cũng là một điều xa xỉ của ngày càng nhiều người Trung Quốc. Theo một số liệu chính thức mới được báo cáo gần đây, hơn 70% người cao tuổi ở Trung Quốc tại khu vực thành thị phải sống xa con cái.

Hai năm nay ông Xun Qi, 77 tuổi, sống ở Giang Tô (Trung Quốc) đã đăng lên báo một mẩu tin với hy vọng tìm kiếm một gia đình nào đó có thể chấp nhận nuôi ông. Suốt nhiều năm qua, ông phải sống đơn độc bằng tiền trợ cấp.

"Tôi không có ai để chuyện trò", ông Xun trả lời Tân Hoa Xã. "Tôi phải độc thoại mỗi ngày và ngày nào cũng bỏ ra một hai tiếng chỉ để lẩm nhẩm tâm sự với những bức ảnh cũ".

Ông Xun rất cô đơn nhưng lại không muốn làm gánh nặng cho gia đình mình ở nơi xa xôi vì theo lời ông "chúng không có điều kiện". Nếu gia đình nào chấp thuận, ông Xun sẽ chia sẻ phí sinh hoạt bằng lương hưu hàng tháng của mình, đồng thời cũng sẽ tự lo đám tang cho mình mà không phiền lụy ai.

Một lý do khiến ông đăng tin trên báo chính là cái chết đột ngột của người hàng xóm trong dịp Tết năm 2012. Người chăm sóc ông này nghỉ lễ và cái xác chỉ được phát hiện sau đó nhiều ngày.

Còn thê thảm hơn ông Xun, bà Li Wanyuan, 76 tuổi, sống ở Bắc Kinh chia sẻ trên một tờ báo của Singapore rằng,  mắc hai bệnh mãn tính và gặp khó khăn trong việc đi lại. Thậm chí, một bữa ăn thường ngày cơ bản cũng là một thử thách với bà. Trước đây bà Li thường tới một căng tin công cộng để tìm mua thức ăn. Sau này, khi căng tin đóng cửa, bà sống chủ yếu dựa vào những chiếc bánh bao hấp mà người con gái 53 tuổi mang đến hàng tuần.

Nhưng bà Li vẫn cảm thấy rất tội lỗi. "Con gái tôi năm nay đã 53 tuổi và cũng ốm yếu luôn. Nó cũng có gia đình riêng cần phải chăm sóc", bà nói. Để giảm bớt gánh nặng cho con gái, bà Li cố gắng uống ít nước, ăn ít thức ăn hơn. Bà cũng tránh tắm rửa càng nhiều càng tốt vì sợ trượt ngã trong nhà vệ sinh rồi càng làm khổ con cháu phải thuốc thang chạy chữa hơn. Cuộc sống của bà bây giờ chỉ xoay quanh mấy thứ này: "uống ít, ăn ít và tắm ít".

cha-gia-dang-bao-xin-o-nho-nha-khac-vi-qua-co-don

Khoảng 70% người cao tuổi các thành phố Trung Quốc sẽ phải sống cô đơn một mình. Ảnh: Theepochtimes.

Theo một nghiên cứu của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Trung Quốc, từ năm 2015 đến 2035 sẽ có thêm 10 triệu người già mỗi năm. Tỷ lệ người cao tuổi sống một mình ở những thành phố vừa và lớn sẽ chạm mức 70%, mang đến những mối lo lớn cho công tác chăm sóc y tế và an sinh xã hội.

Chính sách một con bắt đầu được áp dụng rộng rãi vào năm 1979 đã cấm các cặp vợ chồng sinh nhiều hơn một đứa trẻ. Đó thực sự là một cuộc cách mạng về dân số kế hoạch hóa, đi ngược lại truyền thống thích "con đàn, cháu đống" của người Trung Quốc.

Thông thường, để giữ ổn định dân số, mức sinh phải bằng hoặc cao hơn 2,1 trẻ trên một phụ nữ. Nhưng ở Trung Quốc, con số này chỉ là 1,5 trẻ. Trong khi tổng dân số sẽ không giảm đáng kể trong tương lai gần thì lúc này số lượng người già đã trở nên lớn hơn bao giờ hết.

Li Jianxi, giáo sư Xã hội học tại Đại học Bắc Kinh cho biết, những tác động của chính sách một con dẫn đến việc ngày càng có nhiều gia đình theo mô hình "4-2-1". Trong đó, đứa con duy nhất phải đối mặt với áp lực chăm sóc cho tận 4 người: cha mẹ và ông bà mình. Đồng thời, hàng triệu gia đình đã mất đi con trai hay con gái duy nhất cũng sẽ lâm vào cảnh không nơi nương tựa.

"Rủi ro lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt về dân số lúc này không phải là tổng số dân mà chính là sự lão hóa", ông Li nói.

Vào năm 2013, người ta ước tính rằng ở Trung Quốc có khoảng hơn 100 triệu "tổ ấm thiếu hơi người". Con số này sẽ còn đáng sợ hơn vào năm 2030 khi lên tới 200 triệu gia đình. Và đến năm 2035, tổng số người già ở Trung Quốc sẽ vượt mốc 400 triệu người.

Một khảo sát trên tờ Nhân dân nhật báo năm 2013 cũng cho ra một kết quả giật mình. Khoảng 90% những người sinh sau năm 1980 cho biết họ không tin rằng mình có đủ khả năng chăm sóc cha mẹ. Có 74% đồng ý rằng áp lực công việc, cuộc sống khiến họ không thể dành nhiều thời gian cho các thế hệ trước. Một nửa số người được khảo sát cho biết đã sống xa cha mẹ và sẽ không đủ điều kiện để sống cùng và chăm sóc họ.

Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc từng làm phóng sự về một bà lão tên là Chen ở Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc. Con trai duy nhất của bà làm việc ở Bắc Kinh và chỉ quay về nhà mỗi năm một lần vào dịp Tết. Bà nói rằng cuộc sống xa con rất bất tiện khi không có ai để giúp sử dụng máy tính hoặc thậm chí chỉ là thay bóng đèn cháy.

Năm 2009, một ông lão 81 tuổi đã cố gắng tự tử nhưng may mắn được cứu sống. Ông nói với mọi người rằng cuộc sống cô đơn và khó khăn đã khiến ông chán chường. Còn ở An Huy, vào năm 2014, một ông lão cũng đã chết trong cảnh cô độc ngay tại nhà mình. Vài ngày sau, người ta tìm thấy thi thể của ông bị đàn chó nhà cắn.

Minh Phương (Theo Theepochtimes)

No comments:

Post a Comment